Đảng viên luôn đi đầu thực hiện nhiệm vụ kép
Đại dịch COVID-19 bùng nổ khiến nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn, thị trường xuất khẩu gián đoạn, đơn hàng giảm mạnh, thậm chí nhiều đơn hàng bị huỷ, hoãn... là khó khăn lớn của ngành may.
Bộ Công Thương cũng nhận định, dưới tác động của dịch COVID-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày. Với những khó khăn như vậy, những tưởng ngành dệt may Việt Nam sẽ “lao dốc”, thế nhưng đến hết năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Dệt May Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 35 tỷ USD, giảm 14% so với 2019. Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) năm 2020 có doanh thu hợp nhất đạt 15.516 tỷ đồng, đạt 106,0% kế hoạch, lợi nhuận hợp nhất đạt 628,9 tỷ đồng, giảm 17,8% so với 2019, nhưng đạt 164,8% kế hoạch đề ra năm 2020.
Sở dĩ, Vinatex có được những kết quả tích cực như vậy là nhờ vào sự lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố dịch COVID-19 (Quyết định 173/QĐ-TTg ngày 1/2/2020), Ban Thường vụ Đảng ủy của Tập đoàn Vinatex đã kịp thời trong chỉ đạo việc xem xét, đánh giá tình thị trường và đề ra các giải pháp trong tình thế khẩn cấp.
“Ban Thường vụ Đảng ủy đã quán triệt, trong điều kiện “bình thường mới” toàn hệ thống tập trung toàn lực ưu tiên ổn định lao động, đảm bảo việc làm, tăng cường phòng dịch, giữ vững vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu để không gián đoạn hoạt động và tạo đà phục hồi nhanh sau đại dịch. Thiết lập kênh tương tác trực tuyến 24/24 giữa tập đoàn và các đơn vị thành viên để phản ứng nhanh với diễn biến thị trường, điều phối năng lực sản xuất giữa các đơn vị và kịp thời xử lý điểm nghẽn và chia sẻ cách làm hay, giải pháp tốt, chia sẻ kỹ thuật giữa các đơn vị trong ập đoàn”, ông Cao Hữu Hiếu chia sẻ.
Theo đó, Tập đoàn dệt may Việt Nam vẫn bảo đảm duy trì việc làm cho toàn hệ thống, không có người lao động nào phải nghỉ việc vì không có việc làm. Các doanh nghiệp trong Vinatex đã linh hoạt triển khai công tác tổ chức sản xuất, sẵn sàng tiếp nhận các đơn hàng có giá trị gia tăng thấp, tập trung nghiên cứu và phát triển nhanh các đơn hàng mới phục vụ chống dịch...Các doanh nghiệp của Vinatex là những đơn vị đi đầu trong sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, đồ bảo hộ.
“Đây là bước chuyển mình của các doanh nghiệp, từ sản xuất sơ mi, veston cao cấp thành khẩu trang vải kháng khuẩn, phòng dich. Điều này giúp cho doanh nghiệp duy trì được sản xuất và đảm bảo công việc cho người lao động cũng như góp phần cùng với Đảng, Nhà nước chung tay chống dịch COVID-19”, ông Cao Hữu Hiếu cho biết.
Cũng là doanh nghiệp trụ vững qua dịch COVID-19, ông Đỗ Văn Vẻ, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen cho biết, từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ Công ty Cổ phần tập đoàn Hương Sen luôn hoạt động tốt, mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp với tổ chức Đảng rất chặt chẽ, tổ chức Đảng đã phát huy được vai trò của các đảng viên trong sản xuất kinh doanh và cũng như trong lĩnh vực hoạt động xã hội.
“Trong đại dịch COVID-19, Tập đoàn Hương Sen gặp khó khăn kép, vừa chống dịch COVID-19, ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tuy nhiên với sự lãnh đạo của Đảng bộ tập đoàn, năm 2020, mức tăng trưởng của Hương Sen giảm 20% so với năm 2019, không có công nhân nào bị nghỉ việc vì thiếu việc làm, đời sống người lao động được đảm bảo", ông Đỗ Văn Vẻ cho hay.
Chia sẻ bí quyết của doanh nghiệp, ông Vẻ cho biết, ngay khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Đảng bộ tập đoàn đã họp khẩn bàn giải pháp vừa chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, các biện pháp chống dịch được kích hoạt mạnh mẽ, cùng với đó, lãnh đạo Tập đoàn tích cực kết nối, tìm kiếm đơn hàng trực tuyến…Do vậy, không chỉ đảm bảo đời sống người lao động, tập đoàn còn ủng hộ hàng tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch ở địa phương và lũ lụt miền Trung vừa qua.
Phát triển tổ chức Đảng gắn liền với phát triển của doanh nghiệp
Chia sẻ “bí quyết” về phát triển tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, bản chất công tác Đảng trong doanh nghiệp chính là việc đảm bảo sản xuất kinh doanh và đời sống người lao động. Sự phát triển của tổ chức Đảng gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp và ngược lại.
Ông Hiếu cho biết, việc phát triển Đảng tại Vinatex có thuận lợi là doanh nghiệp từ mô hình doanh nghiệp nhà nước, sau đó là doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước chi phối, các cán bộ đại diện vốn Nhà nước đều tham gia cấp ủy Tập đoàn và giữ vị trí Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn. Ở hầu hết các cơ sở Đảng đều thực hiện tốt việc nhất thể hóa chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc, Giám đốc Chi nhánh) kiêm Bí thư cấp ủy. Do đó, việc thực hiện mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và Cơ quan điều hành tại các cơ sở đảng luôn đạt được sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt hoạt động của đơn vị.
Hiện nay, Đảng bộ Tập đoàn Vinatex là đảng bộ cấp trên cơ sở, hoạt động theo mô hình Đảng bộ công ty mẹ mở rộng, quản lý trực tiếp 20 cơ sở đảng (gồm 12 đảng bộ và 8 chi bộ cơ sở) với tổng số 1.823 đảng viên trên tổng số 24.304 lao động.
“Đối với ngành dệt may là một ngành sử dụng nhiều lao động, với 2,7 triệu lao động, chiếm trên 20% trên tổng số lao động trong ngành công nghiệp, chiếm 5% trên lực lượng lao động cả nước, rất cần có vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng để đảm bảo việc làm, đảm bảo đời sống thu nhập cho người lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội của đất nước và hiện nay Đảng bộ tập đoàn đã và đang làm tốt điều này”, ông Cao Hữu Hiếu khẳng định.
Chia sẻ về phát triển Đảng tại doanh nghiệp, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen Đỗ Văn Vẻ cho biết, Đảng ủy đã xây dựng quy chế hoạt động, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với Tổng Giám đốc cùng xây dựng mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế cho tập đoàn. Nội dung sinh hoạt bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Đảng bộ tỉnh. Những vấn đề lớn liên quan đến sự phát triển của doanh nghiệp được tập thể Đảng ủy, Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc thảo luận, thống nhất quyết định trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm.
“Chi bộ sinh hoạt đều đặn. Đa số đảng viên được bố trí vào các vị trí chủ chốt như Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc nhà máy, trưởng các phòng, tổ, đội sản xuất và đều phát huy tốt vai trò quản lý, thể hiện năng lực điều hành trong các hoạt động...”, ông Đỗ Văn Vẻ cho biết.
Trong suốt mấy chục năm qua, tổ chức Đảng tại Công ty Hương Sen đã kết nạp được hàng chục đảng viên, đều là những đảng viên rất xứng đáng. Sau khi được kết nạp, họ đã thực hiện đúng lời hứa khi vào Đảng, phát huy tốt, có nhiều sáng kiến trong công việc. Nhiều công nhân, đoàn viên thấy hoạt động của tổ chức Đảng tốt nên rất hăng hái thi đua, phấn đấu tích cực để trở thành đảng viên, mỗi năm kết nạp được 4 - 6 đảng viên mới, hiện Tập đoàn Hương Sen có 68 đảng viên.
“Tổ chức Đảng và ban lãnh đạo doanh nghiệp có mối quan hệ tốt nên nhiều năm nay tập đoàn không ngừng tăng trưởng lớn mạnh. Đây là mô hình tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam ra đời trong thời kì đổi mới của đất nước, góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ông Vẻ tự hào nói.
Ông Vẻ kiến nghị Đảng và Nhà nước có đánh giá, tổng kết vai trò hoạt động của các tổ chức Đảng tại doanh nghiệp tư nhân để rút ra bài học cho thời gian tới, đánh giá đầy đủ sâu sắc các mặt thuận lợi, khó khăn của tổ chức Đảng.
Cùng với đó, ông Vẻ kiến nghị, nên có cơ chế rõ ràng, minh bạch về chi tiêu, ngân sách cho tổ chức Đảng trong doanh nghiệp hoạt động để đảng viên yên tâm hoạt động. Đặc biệt, cần tạo điều kiện và khuyến khích kết nạp những chủ doanh nghiệp đủ điều kiện vào Đảng và tham gia các tổ chức chính trị, xã hội. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích đối với doanh nghiệp, giảm bớt thủ tục giúp cho việc phát triển Đảng ở doanh nghiệp được thuận lợi hơn.