Đột phá thể chế, nâng cấp DN Việt hướng tới chuẩn mực toàn cầu
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Đại hội Đảng lần thứ XIII có vị trí vô cùng quan trọng. Đại hội có nhiệm vụ xác định tầm nhìn đến năm 2045, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2030 và kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025, với khát vọng Việt Nam sẽ hoàn thành công nghiệp hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045.
“Chúng tôi tin tưởng các Nghị quyết của Đảng tại Đại hội XIII sẽ tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, theo những chuẩn mực hàng đầu trên thế giới, và hướng tới mục tiêu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam phải lọt vào nhóm dẫn đầu trong ASEAN, vươn tới các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới. Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ tiếp tục khởi động một giai đoạn đột phá thể chế để nâng cấp các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới các chuẩn mực toàn cầu. Đó chính là nền tảng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho biết: Doanh nghiệp rất kỳ vọng vào Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với những chủ trương về phát triển kinh tế, xã hội, chính trị ... Trong đó đặc biệt, ông quan tâm đến mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân với mục tiêu xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.
“Chúng tôi kỳ vọng rằng những chính sách về phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong dự thảo văn kiện của Đảng nêu trên sẽ được Đại hội nghiên cứu và xem xét thông qua, là cơ sở vững chắc để ban hành những chính sách cụ thể cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân”, ông Nguyễn Văn Được cho hay.
Ông Được kiến nghị: Đảng, Nhà nước trong thời gian tới cần có sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế để tạo sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật, từ đó thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở tương hỗ cùng phát triển giữa các thành phần kinh tế.
Cùng với đó, cần có các quyết sách hỗ trợ tối đa cả về thế chế, chính sách, pháp luật và có chính sách bảo vệ và bảo hộ doanh nghiệp Việt trên cơ sở luật pháp trong nước, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm giúp doanh nghiệp tự tin hội nhập quốc tế sâu và rộng.
“Việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất và hiệu quả cùng với chú trọng phát triển doanh nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, lấy chất lượng của doanh nghiệp làm trọng tâm là một trong những nội dung quan trọng để từng bước đạt được mục tiêu phát triển 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 như dự thảo văn kiện đại hội đề ra”, ông Nguyễn Văn Được chia sẻ.
'Cởi trói' cho doanh nghiệp
Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, doanh nghiệp mong muốn Đại hội XIII của Đảng sẽ thành công tốt đẹp theo đúng kế hoạch và các nội dung đã được chuẩn bị. Đại hội sẽ sáng suốt bầu ra Ban chấp hành mới với những đồng chí hội tụ đủ đức, đủ tài, đủ bản lĩnh để lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, vững bước trên con đường hội nhập, phát triển.
"Doanh nghiệp rất đồng tình với những nội dung được nêu ra trong dự thảo Nghị quyết của Đại hội và mong muốn đại hội sẽ biểu quyết, thông qua các nội dung văn kiện, đây là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển toàn diện đất nước trong giai đoạn 2020 – 2025 và các giai đoạn tiếp theo. Doanh nghiệp mong muốn sau Đại hội XIII này, những cơ chế chính sách đang là cản trở cho doanh nghiệp giai đoạn vừa qua sẽ được "cởi trói" và sẽ có những đột phá để doanh nghiệp phát triển và tăng tốc trong giai đoạn mới. Rất nhiều cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp cần được định nghĩa rõ hơn để doanh nghiệp áp dụng và triển khai trong quá trình thực hiện. Hiện nay, Đảng đã xác định phát triển doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân là khâu đột phá, trọng tâm thì ở nhiệm kỳ tới chúng ta cần có nhiều cơ chế chính sách, Nghị quyết của Đảng cho mảng kinh tế này được phát triển và cất cánh trong giai đoạn tới", ông Cao Hữu Hiếu kỳ vọng.
Video ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ với phóng viên:
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, về mặt kinh tế, các dự thảo văn kiện trình đại hội Đảng XIII xác định tiếp tục phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Dự thảo văn kiện cũng yêu cầu xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; đặc biệt, khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.