Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin, các nước trên thế giới hiện chỉ áp dụng cách tính số km vận hành trong bảo hành, bảo dưỡng phương tiện mà không áp dụng trong chu kỳ kiểm định.
"Cục Đăng kiểm Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu các mô hình tính chu kỳ kiểm định phương tiện tại các nước trên thế giới và chọn lọc để áp dụng thực tiễn ở Việt Nam sao cho phù hợp với điều kiện trong nước theo từng thời kỳ", lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, phương án đăng kiểm theo thời gian như đang áp dụng hiện này có điểm bất hợp lý. Ví dụ, xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ mỗi ngày chạy khoảng 250 km thì 24 tháng (chu kỳ đầu) sẽ đi khoảng 200.000 km. Trong khi đó, xe cá nhân, gia đình dưới 9 chỗ, mỗi ngày chỉ đi khoảng 50 km thì trong 30 tháng (chu kỳ đầu) đi 45.000 km. Như vậy, xe cá nhân đi số km ít hơn nhiều so với xe kinh doanh. Vì vậy, việc quy định chu kỳ kiểm định ô tô theo số km thay cho tiêu chí thời gian sử dụng phương tiện cũng nên nghiên cứu, nếu hợp lý đem lại hiệu quả thì nên áp dụng.
Trong khi đó, ông Đào Công Quyết, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, hiện chưa có nước nào tính chu kỳ kiểm định theo số km. Việc này nếu áp dụng sẽ gây rắc rối cho đơn vị kiểm định vì chủ xe rất dễ dàng can thiệp, sửa lại số km xe đã vận hành.
Nhìn nhận dưới góc độ chuyên gia, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhìn nhận, việc tính sự hao mòn phương tiện theo số km có thể chính xác hơn so với tính theo thời gian thực, tuy nhiên áp dụng để xác định chu kỳ kiểm định ô tô thì phải tính toán kỹ.
Ông Khương Kim Tạo phân tích, sự hao mòn, hư hỏng của một chiếc ô tô được xác định theo 2 chỉ tiêu: Số km xe chạy (tức là cường độ mài mòn của các chi tiết) và sự hao mòn có tính chất vô hình (tự hao mòn theo thời gian, ở 1 số chi tiết như dầu nhớt, lốp). Do đó, khi xác định quá trình hao mòn của xe, mọi người thường quan niệm những xe chạy nhiều sẽ chóng hỏng hơn xe chạy ít do xe ít đi, hao mòn ít hơn sẽ giúp ô tô duy trì trạng thái hoạt động tốt hơn.
Nếu tính được số km xe chạy một cách chuẩn xác để làm cơ sở xác định thời hạn cần thiết đánh giá lại trạng thái kỹ thuật của xe, về mặt chuyên môn sẽ chính xác hơn. Tuy nhiên, thực tiễn, trên thế giới, ngay cả các nước phát triển như Anh, Đức, Mỹ cũng tính chu kỳ kiểm định xe theo thời gian giống Việt Nam mà không áp dụng cách tính số km xe chạy dù những nước này là bậc thầy về trình độ kỹ thuật phương tiện. Không phải vì họ chưa nghĩ đến mà bởi việc áp dụng trong thực tiễn không khả thi.
Cũng theo ông Khương Kim Tạo, hiện nay, chưa có cách nào xác định chính xác số km xe chạy, đối với đồng hồ km gắn trên xe không đủ tính trung thực bởi thiết bị dễ dàng bị can thiệp như tháo đồng hồ cũ ra lắp mới, hư hỏng ngưng trệ, hay thậm chí có tình trạng "tua" số km. Nếu lắp một đồng hồ đo khác để tính số km sẽ gây tốn kém chi phí và phiền toái khi phải xây dựng được quy chuẩn kỹ thuật của loại thiết bị này, quy trình kiểm định riêng và phải có cơ chế giám sát để "khoá" tình trạng gian lận số km.
Ông Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình Đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) thì cho rằng, việc tính chu kỳ kiểm định xe theo số km rất khó khả thi vì hiện chưa có chế tài, quy định nào để kiểm soát số km hiển thị trên ô tô là đúng và chính xác. Điều này có thể dẫn đến tình trạng gian lận chu kỳ kiểm định thông qua việc điều chỉnh số km.
"Ngay cả nhà sản xuất ô tô cũng không thể kiểm soát được việc gian lận km xe chạy. Nếu đưa ra đề xuất này cần có chế tài kiểm tra để xác định được chính xác số km xe chạy nhằm hạn chế hoàn toàn việc gian lận trên, từ đó tránh tiêu cực đăng kiểm", ông Đàm Hoàng Phúc nêu quan điểm.
Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội chia sẻ, thực tiễn việc mua bán ô tô cũ đã cho thấy, chỉ cần một vài tác động của cán bộ kỹ thuật, chủ xe dễ dàng "tua" được số km trên đồng hồ công tơ mét (Odometer) của xe hoặc chỉ cần rút cảm biến công tơ mét lập tức đồng hồ đo sẽ dừng lại. Khi đồng hồ công tơ mét không chạy nữa, dựa vào ý thức của người dân hiện nay liệu bao lâu sẽ chủ động đưa xe đi đăng kiểm hay sẽ không bao giờ?
Các chuyên gia giao thông nhìn nhận, về mặt kỹ thuật, xe càng ít đi càng nhanh hỏng, ô tô cũng như xe máy và tất cả các thiết bị điện tử, cơ khí khác, nếu vận hành thường xuyên sẽ hoạt động trơn tru hơn còn nếu "đắp chiếu" thời gian dài có thể khiến nhiều thiết bị lão hóa nhanh hơn. Đơn cử như gây ra tình trạng khó đề, lốp bị lão hóa dễ dàng nứt, hỏng, xuống hơi, dầu nhớt bị cô đọng gây tình trạng bó cứng phanh, nhiều vị trí bị hoen gỉ, hư hỏng… Do đó, không phải xe ít đi sẽ đảm bảo an toàn kỹ thuật hơn.
Còn theo đại diện một số cơ sở bảo dưỡng ô tô, hiện nay thời hạn phương tiện cần bảo hành, bảo dưỡng dựa trên 2 tiêu chí: Số km xe chạy hoặc thời gian sử dụng, tiêu chí nào đến trước thì chủ xe đưa ô tô đi bảo hành thời điểm đó.
Dưới góc độ người sử dụng phương tiện, anh Nguyễn Đức Thiện (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, xe của gia đình anh qua mấy đợt dịch COVID-19 hầu như không đi, cả năm chạy chưa đầy 3.000 km. Thế nhưng vẫn phải đi đăng kiểm, nếu không sẽ bị lực lượng chức năng "phạt".
Vì vậy, giải pháp để "công bằng" nhất là nên kiểm định phương tiện theo quãng đường di chuyển. Có nghĩa là xe nào chạy nhiều thì chu kỳ đăng kiểm sẽ "mau" hơn xe ít sử dụng. Điều này sẽ tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của người dân.
Về những ý kiến này, nhiều chuyên gia cho rằng, không phải không có lý khi nhiều người đề xuất đăng kiểm xe theo quãng đường di chuyển bởi xe đi nhiều (như xe chạy dịch vụ) rõ ràng sẽ cần phải kiểm tra về mặt kỹ thuật nhiều hơn so với các xe gia đình ít sử dụng.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng phân tích, ô tô là phương tiện kỹ thuật đặc thù và chất lượng phương tiện còn phụ thuộc rất nhiều vào thói quen sử dụng của chủ xe và người lái. Chưa hẳn xe đi nhiều đã có tình trạng kỹ thuật kém hơn so với xe đi ít.
Nhìn dưới góc độ quản lý, ông Nguyễn Đình Lam (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: "Việc kiểm định theo km rất khó cho việc kiểm soát phương tiện của lực lượng chức năng. Người dân sẽ lấy lý do này kia và đặc biệt là số km có thể can thiệp được nên theo tôi, đăng kiểm theo số km xe chạy cần phân tích kỹ và có cơ sở khoa học".
Lo ngại việc người sử dụng phương tiện có thể nhờ tác động "tua công tơ mét", Luật sư Nguyễn Cao Cường, Giám đốc Công ty Luật An Viên (ANVLaw) thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, ở một số nước châu Âu, hành vi này được coi là vi phạm pháp luật và có chế tài rất nặng được quy định trong pháp luật hình sự. Do đó, kiểm soát số ki lô mét chính xác thì cũng cần đưa việc "tua công tơ mét" là hành vi vi phạm pháp luật và phải được đưa vào quy định trong Bộ luật Hình sự mới đủ tính răn đe, ngăn chặn. Nếu chỉ đưa vào Luật Giao thông đường bộ và phạt hành chính thì không thể ngăn chặn triệt để việc gian lận số km.
Liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp rà soát dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Thông báo nêu rõ, việc khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP là yêu cầu cấp thiết.
Đáng chú ý, tại Thông báo này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu chu kỳ kiểm định đối với xe không kinh doanh vận tải, xe cá nhân với xe kinh doanh vận tải để bảo đảm hợp lý, an toàn (trong đó nghiên cứu quy định chu kỳ kiểm định theo số km sử dụng để thay thế tiêu chí về thời gian sử dụng phương tiện).
Cùng với đó, nghiên cứu đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện, đơn vị bảo hành, bảo dưỡng phương tiện giữa 2 kỳ kiểm định; kết quả bảo hành, bảo dưỡng phương tiện (bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) giữa 2 kỳ kiểm định là cơ sở để kiểm định phương tiện; điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ…