Tín dụng xanh tăng trưởng chưa cao do thiếu khung pháp lý 'Danh mục xanh'

Tại Tọa đàm đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh diễn ra ngày 21/5, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, việc triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng còn có nhiều khó khăn, đơn cử việc triển khai chưa đồng đều, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) chưa báo cáo NHNN, chưa phát sinh tín dư nợ tín dụng xanh. 

Chú thích ảnh
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: TBNH

“Kết quả tín dụng xanh chưa cao mặc dù còn nhiều dư địa phát triển do thiếu khung pháp lý về Danh mục xanh; Công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn của dự án đầu tư xanh dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng. Việc huy động nguồn lực, đặc biệt nguồn lực tài chính xanh quốc tế còn hạn chế”, ông Đào Minh Tú cho biết.

Bên cạnh đó là yêu cầu ngày càng cao về quản trị, chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng trong lĩnh vực môi trường, xã hội, khí hậu để nhận diện, thẩm định quản lý, giám sát khoản cấp tín dụng cũng như tư vấn, hỗ trợ khách hàng đáp ứng các tiêu chí mới của quốc tế về phát thải;…. Để giải quyết những khó khăn này không chỉ có sự nỗ lực của ngành ngân hàng mà cần phối hợp đồng bộ các cơ quan quản lý Nhà nước, sự hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực của các tổ chức quốc tế.

Trong những tháng đầu năm, có 58 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ xanh, tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017 - 2024 đạt trên 21%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế, trong khi đó năm 2017 chỉ có 15 TCTD.

Theo ông Đào Minh  Tú, có 57 TCTD thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội với dư nợ 3,62 triệu tỷ đồng, tăng hơn 15 lần so với thời điểm 2017. Nhiều TCTD đã công bố báo cáo phát triển bền vững, tăng tính giải trình và minh bạch, ngày càng khẳng định uy tín và vị thế của mình.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Tọa đàm sáng 21/5

Trước những tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu, vấn đề suy thoái môi trường đến phát triển kinh tế và ổn định xã hội, tăng trưởng xanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy nhiều chuyên gia cho rằng, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên là xu thế tất yếu để Việt Nam hướng đến một tương lai bền vững, bao trùm và thịnh vượng.

Xác định vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng ngân hàng thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã vào cuộc rất sớm, từ năm 2015 đã lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững trong các văn bản chỉ đạo công tác tín dụng; Chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; đặt ra yêu cầu tăng dần tỷ trọng tín dụng đầu tư cho các dự án xanh, phát triển ngân hàng xanh tại các Chiến lược; Đề án phát triển của Ngành ngân hàng thông qua các giải pháp tăng cường nhận thức, năng lực thực thi của toàn ngành về tăng trưởng xanh. 

Đặc biệt năm 2023, NHNN tiếp tục ban hành Kế hoạch hành động của toàn Ngành triển khai Chiến lược Quốc gia về tín dụng xanh giai đoạn 2021-2030 và các Đề án về chống biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Sau gần 2 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả tích cực. "Nhận thức về yêu cầu phát triển bền vững có sự chuyển biến rõ rệt, nhiều TCTD đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào chiến lược kinh doanh, tích cực huy động nguồn lực tham gia tài trợ vốn cho các lĩnh vực xanh, từ đó tăng dần quy mô và tốc độ dư nợ tín dụng xanh", Phó Thống đốc cho biết.

2025 là năm có ý nghĩa quan trọng đánh giá 5 năm triển khai chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2025. Đây là cơ hội để ngành Ngân hàng đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được, nhận diện những vướng mắc, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, hoàn thiện định hướng giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng hiệu quả hơn, góp phần đạt được mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh Quốc gia giai đoạn tới.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, việc ra mắt Sổ tay hướng dẫn “Hệ thống quản lý rủi ro về môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng” do NHNN và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp biên soạn là rất thiết thực, "cầm tay chỉ việc" cho các TCTD trong việc xây dựng quy trình cụ thể và phù hợp theo tính chất từng ngân hàng và khoản vay.

Đây là tài liệu tham khảo có tính thực tiễn cao, giúp các TCTD tăng cường quản lý rủi ro theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, góp phần triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh.

Minh Phương/Báo Tin tức và Dân tộc
Sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu những dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh
Sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu những dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh

Sáng 14/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, cho ý kiến về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các tiêu chí môi trường; xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN