Đây là chính sách tín dụng học sinh, sinh viên do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai, là nguồn hỗ trợ quan trọng và kịp thời cho những hộ gia đình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mỗi đầu năm học mới.
Gia đình em Đặng Thị Tuyết Thanh, ngụ huyện Bến Lức (Long An) có bốn người, hai chị em gái đều đang học ngành Quản trị kinh doanh Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ước mơ cho hai con ăn học đến nơi đến chốn là động lực luôn thôi thúc ba mẹ của Thanh làm việc không mệt mỏi. Khi hai con cùng vào đại học, cũng là lúc kinh tế gia đình em gặp nhiều khó khăn. Được bình xét từ Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, gia đình em Thanh được xét duyệt vay vốn học sinh, sinh viên từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bến Lức cho hai chị em đi học.
Tuyết Thanh cho biết: "Nguồn vốn tín dụng học sinh, sinh viên đã giảm bớt gánh nặng cho ba mẹ em mỗi khi đến kỳ đóng tiền học cho trường. Lãi suất cho vay ưu đãi, thời hạn trả nợ phù hợp đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng em yên tâm học tập, cố gắng sau này có việc làm, thu nhập phụ giúp ba mẹ trả nợ".
Ngồi trong căn nhà vách gỗ mái tôn, chị Nguyễn Thị Kim Hồng, phường 4, thành phố Tân An tự hào cho biết, con trai út của chị đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh và đang đi nộp hồ sơ xin việc. Kể lại hành trình gian nan cả gia đình đã cùng nhau vượt qua để có những ngày vui hôm nay, chị cho biết: Nhà có hai con, con gái lớn đã có gia đình. Năm 2014, con trai út thi đỗ Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng là lúc gia đình chị chồng chất khó khăn.
Nghề chính là làm ruộng nhưng nguồn thu nhập của vợ chồng chị Hồng lại từ 6 công đất đi thuê để trồng hoa màu. Trước đây, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, chị được xét duyệt vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cải tạo đất, lên liếp trồng bí, mướp, khổ qua. Khi con trai đi học đại học, chị Hồng được vay từ nguồn vốn tín dụng học sinh, sinh viên để trang trải việc học hành của con. Năm 2016, chị tiếp tục được vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để nuôi bò sinh sản tăng thêm thu nhập, từ đó có thêm tiền cho con đến trường.
Đến nay, chị không còn lo lắng nhiều vì con trai đã ra trường và đang tìm việc làm. Chị Hồng vui vẻ nói: “Giờ chỉ mong con có việc làm ổn định, lo cho bản thân là cha mẹ vui rồi. Về vốn vay, hai vợ chồng cố gắng nuôi bò, trồng trọt, trả dần theo đúng định kỳ. Có con phụ giúp cũng yên tâm”. Chị Hồng vừa chăm bò mới đẻ, vừa tràn đầy hy vọng.
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An cho biết, tính đến 30/9/2019, dư nợ cho vay chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn toàn tỉnh đạt gần 420 tỷ đồng, với trên 15 nghìn khách hàng còn dư nợ. Tính từ khi triển khai chương trình tín dụng này, từ năm 2014 đến nay, hàng chục nghìn hộ gia đình đã được vay vốn cho con học tập. Việc giải ngân nguồn vốn nhanh chóng, đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, hộ vay cơ bản trả nợ đúng hạn, tỷ lệ nợ quá hạn thấp.
Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Long An Lê Bá Chuyên cho biết: để nhiều gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho con em trang trải việc học, vào đầu năm học mới hàng năm, Chi nhánh phối hợp với chính quyền địa phương, các Hội đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực đẩy mạnh tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên.
Chỉ trong tháng 9/2019, tổng doanh số cho vay chương trình học sinh sinh viên đạt hơn 17 tỷ đồng với hơn 1.200 lượt hộ vay vốn, trong đó, hơn 300 học sinh sinh viên được giải ngân lần đầu. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Long An đã tham mưu UBND tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương kiến nghị Chính phủ nâng mức cho vay chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn phù hợp, với mức tăng học phí và chi phí sinh hoạt hiện nay.