Sản xuất và chế biến cây cà phê chè (cà phê arabica) của Việt Nam đang đối đầu với nhiều thách thức cần phải vượt qua để có thể phát triển bền vững. Bàn giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả cà phê chè trong thời gian tới là nội dung chính tại Hội thảo “Phát triển bền vững cà phê chè” do Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam tổ chức hôm qua (26/7).
Cân đối lại vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, hiện nay, năng suất và chất lượng sản phẩm cà phê chè ở Việt Nam không cao, chưa tương xứng với tiềm năng. Giai đoạn 1999- 2004, Việt Nam thực hiện Chương trình phát triển 40.000 ha cà phê chè bằng vốn vay của Cơ quan phát triển Pháp. Kết quả, bước đầu tạo được một số vùng cà phê chè ở miền núi (Điện Biên, Sơn La, huyện Hướng Hóa - tỉnh Quảng Trị). Tuy nhiên, nhìn chung mục tiêu chương trình đạt thấp.
Nông dân huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) thu hoạch cà phê. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Theo TS. Lê Ngọc Báu (Viện Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Tây Nguyên), một trong những nguyên nhân chính khiến các chương trình, dự án phát triển cà phê chè trước đây bị phá sản là do công tác quy hoạch có vấn đề, không phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây cà phê chè. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng thừa nhận, một yếu kém của ngành cà phê thời gian qua là thiếu quy hoạch và các dự án đầu tư phát triển ngành cà phê, nếu có thì việc tổ chức quản lý triển khai thực hiện dự án lại có khá nhiều tồn tại.
Chính vì vậy, TS. Báu cho rằng, để nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất cà phê chè, công tác quy hoạch vùng trồng cần được rà soát lại.
Mặt khác, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng không thích hợp để phát triển cà phê chè với quy mô lớn. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cà phê chè chỉ phát triển phù hợp ở những vùng cao (trên 800 m). Điều bất lợi là những vùng đó kinh tế lại khó khăn, giao thông không thuận lợi và người dân canh tác theo tập quán là chính; khả năng đầu tư chăm sóc cũng như phát triển trồng mới của người dân còn hạn chế. Vì vậy, tổng diện tích cà phê chè nên giới hạn không quá 50.000 ha và trong giai đoạn đầu, nên tập trung đầu tư phát triển diện tích cà phê chè ở các khu vực có điều kiện sinh thái phù hợp.
Xét các yếu tố sinh thái, kinh tế, xã hội và môi trường, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đề xuất thu hẹp địa bàn trồng cà phê chè chỉ dừng lại ở 17 huyện, thành phố, thị xã thuộc 5 tỉnh: Điện Biên (4.500 ha trồng tại huyện Mường Ảng, huyện Tuần Giáo, TP Điện Biên), tỉnh Sơn La (5.000 ha trồng ở huyện Mai Sơn, huyện Thuận Châu, TP Sơn La), tỉnh Quảng Trị (5.000 ha trồng ở huyện Hướng Hóa), tỉnh Kon Tum (22.500 - 23.000 ha, trồng ở TP Đà Lạt, huyện Đơn Dương, huyện Lạc Dương và trồng trên đất tái canh cà phê thuộc huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm...).
Bên cạnh đó, việc quy hoạch cơ sở chế biến cũng cần phải xem xét lại. Hiện nay, ở một số địa phương, năng lực của các cơ sở chế biến cà phê đã gấp 3- 3,5 lần sản lượng cà phê hiện có. Điều đó dẫn đến tình trạng, nhiều cơ sở chế biến thiếu nguyên liệu, cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm giảm sút chất lượng sản phẩm cà phê chè trên thị trường. Vì vậy, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Hòa Việt đề xuất nên rà soát lại thực trạng các cơ sở chế biến có phù hợp với vùng nguyên liệu hay không? đồng thời, cương quyết loại bỏ, ngừng đầu tư mới khi cơ sở chế biến đã đáp ứng đủ vùng nguyên liệu hiện có.
Phát triển giống chất lượng cao
Ông Nguyễn Trí Ngọc cho biết, theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng cà phê thế giới tăng bình quân 2%/năm nhưng nước ta xác định giữ vững sản lượng, tập trung tăng chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh đối với cà phê.
Cụ thể, theo định hướng giai đoạn 2011 - 2020, sản xuất cà phê tập trung vào tăng chất lượng (vườn cà phê, quả và nhân cà phê), mức năng suất xác định là tối ưu về kinh tế và môi trường. Các nhà nghiên cứu kinh tế cà phê cho rằng, với sản lượng hơn 1 triệu tấn cà phê nhân xuất khẩu hàng năm, chỉ cần tập trung tăng chất lượng là có thể thu thêm 200 - 250 triệu USD/năm; nhất là trong xu thế thị trường tiêu thụ cà phê đòi hỏi phải có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và chứng chỉ xác nhận an toàn chất lượng.
Hiện nay, 99% diện tích cà phê chè sử dụng giống Catimor, phẩm chất thấp. Các giống cà phê chè lai tạo tuy có phẩm chất tốt, hạt to nhưng bắt buộc phải nhân giống vô tính (ghép chồi) khiến giá thành cây giống, chi phí vận chuyển quá cao, nhất là do mật độ trồng của cà phê chè cao hơn so với cà phê vối nhiều.
Trước yêu cầu đó, ông Nguyễn Trí Ngọc cũng cho biết, việc nghiên cứu chọn lọc, phục tráng và lai tạo giống cà phê nhằm đáp ứng yêu cầu về giống cà phê có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với điều kiện sinh thái, kháng sâu bệnh và tác động của biến đổi khí hậu sẽ được tiếp tục trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Mạnh Minh