Nhập siêu thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc tăng lên gây mất cân bằng trong thương mại giữa hai nước. Đây là một trong những nội dung thảo luận của các đại biểu hai nước Việt Nam – Trung Quốc tại "Diễn đàn Doanh nghiệp Việt – Trung: Tiềm năng và Cơ hội hợp tác", do Viện Nghiên cứu Trung Quốc- Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đại học Chiết Giang (tỉnh Chiết Giang – Trung Quốc) phối hợp tổ chức ngày 21/11, tại Hà Nội.
Đại diện 23 doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trên cả nước và 30 doanh nghiệp tỉnh Chiết Giang đã tham dự và thảo luận nhiều nội dung, xung quanh vấn đề hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Các đại biểu nhất trí cho rằng, trong những năm qua quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Kể từ năm 2004 đến nay, 8 năm liền Trung Quốc liên tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Mức tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước trong 3 năm qua tăng bình quân trên 20%/năm.
Nhập siêu thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc tăng lên gây mất cân bằng thương mại giữa hai nước. Ảnh: nld.com.vn |
Theo ông Chu Kiếm Quân, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Tử Lộc (Hong Kong - Trung Quốc), nguyên nhân nhập siêu thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc lớn và hai năm gần đây tăng nhanh, một mặt là do nhu cầu của thị trường trong nước Việt Nam tăng mạnh và năng lực sản xuất hàng hóa của Việt Nam không theo kịp; mặt khác do sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), hạn chế xuất khẩu sang các nước khối Châu Âu và Mỹ được nới lỏng, từ đó nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc phục vụ cho việc sản xuất sản phẩm xuất khẩu đến các khu vực này tăng lên.
Ngoài ra, nhất thể hóa của nội bộ Khu mậu dịch tự do ASEAN mang lại thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN khác, sau khi gia công nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến nhập siêu thương mại của Việt Nam tăng nhanh.
Ông Chu Kiếm Quân cho rằng, để giải quyết nhập siêu thương mại Việt – Trung cần phải nâng cao giá trị phụ gia, sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam. Bên cạnh đó, phía Việt Nam có thể thông qua đi sâu và mở rộng thị trường tiêu thụ Trung Quốc, hướng dẫn và khuyến khích các doanh nghiệp đưa hàng hóa Việt Nam đến tiêu thụ ở nội địa Trung Quốc, từ đó mở rộng xuất khẩu để cân bằng thương mại hai nước; thúc đẩy xuất khẩu thương mại dịch vụ, tiêu thụ tài nguyên du lịch và các sản phẩm văn hóa sáng tạo của Việt Nam sang Trung Quốc.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam- Viện Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá: Trái ngược với các quốc gia khác, từ khi Việt Nam gia nhập WTO, nhập siêu thương mại của Việt Nam với các đối tác tăng nhanh. Điều này cho thấy cơ cấu thương mại và cơ cấu sản xuất của Việt Nam có khâu yếu kém, có thể là ngành công nghiệp phụ trợ.
Đối với Trung Quốc, trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp đến từ tỉnh Quảng Tây đầu tư kinh doanh sản xuất và có lãi tại Việt Nam trong một thời gian ngắn rồi rút về nước, để lại những hậu quả như ô nhiễm môi trường, những tác động về mặt kinh tế-xã hội.
Để hạn chế tình trạng này, hai nước cần có chiến lược kêu gọi những doanh nghiệp lớn, có uy tín của Trung Quốc đầu tư dài hạn và có chọn lọc vào một số lĩnh vực của Việt Nam, bởi chỉ khi môi trường được đầu tư tốt lên thì mối quan hệ và lợi ích của hai bên mới được toàn vẹn.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch hai chiều của Việt Nam – Trung Quốc đạt 19,115 tỷ USD, tăng 21,76% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập siêu 6,885 tỷ USD, tăng 5,56%.
Tại Việt Nam hiện có 866 dự án có hiệu lực đầu tư của Trung Quốc với tổng vốn đăng ký đạt 4,52 tỷ USD, trong đó tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 1,8 tỷ USD. Hầu hết các dự án đang được triển khai thuận lợi và thành công, mang lại lợi ích chung cho doanh nghiệp và hai nước.
Trung Quốc đã trở thành một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam.
Thu Phương