Cần chính sách phù hợp để tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu

Để giúp Chính phủ ban hành chính sách thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu giai đoạn 2011 - 2015, mục tiêu đến 2020, ngày 30/8, Bộ Công Thương và Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên Mutrap III phối hợp tổ chức hội thảo Tác động của Hội nhập kinh tế quốc tế đối với kinh tế, thương mại Việt Nam và các khuyến nghị chính sách. Tại đây, các chuyên gia kinh tế đã phân tích và chỉ rõ, xuất nhập khẩu và đầu tư là 2 vấn đề quan trọng hàng đầu Việt Nam cần quan tâm trong hội nhập kinh tế quốc tế và phải có những giải pháp, chiến lược phù hợp để quản lý, phát triển.

Dây chuyền chế biến tôm tại Công ty Fimex Việt Nam. Ảnh: An Đăng - TTXVN


Cùng với 3 mốc hội nhập kinh tế quốc tế quan trọng gồm gia nhập ASEAN năm 1995, ký kết BTA với Hoa Kỳ năm 2000, gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam cũng đã ký kết, đi vào thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán một số FTA khác. Theo các nghiên cứu, hội nhập kinh tế quốc tế, kể cả việc thực hiện các FTA, có thể mang lại tác động cả tích cực lẫn tiêu cực, nhưng về tổng thể tác động ròng đối với với Việt Nam là tích cực.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng nhóm chuyên gia trong nước, Dự án Mutrap III đánh giá, trong giai đoạn 2006 – 2010, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã được đẩy nhanh hơn. Theo đó, nền kinh tế cũng chịu tác động nhanh, mạnh và khó lường hơn từ các cú sốc bên ngoài, khiến cho chính sách kinh tế vĩ mô liên tục thay đổi. Kết quả là tăng trưởng kinh tế trung bình chỉ đạt 7%/năm. Trong đó, khu vực công nghiệp – xây dựng vẫn đóng vai trò đầu tàu đối với tăng trưởng kinh tế (giống như giai đoạn 2001 – 2005), song tương quan chênh lệch với khu vực dịch vụ đã được thu hẹp đáng kể. Tỷ trọng trong GDP của khu vực tư nhân tăng nhẹ, trong khi khu vực có vốn FDI mở rộng đáng kể. Đầu tư xã hội cũng vẫn tiếp tục tăng, song dần trở nên quá lớn so với GDP. Lạm phát tăng rất cao năm 2008, trung bình giai đoạn 2006 – 2010 tăng 11,4%, và có xu hướng gia tăng trở lại năm 2011. Ngoại trừ năm 2009, xuất khẩu liên tục tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 17,2%/năm, không thay đổi nhiều so với giai đoạn trước khi gia nhập WTO. Trong khi đó, nhập khẩu tăng nhanh hơn đáng kể, khiến thâm hụt thương mại tăng mạnh. Đây chính là kết quả của mức đầu tư quá lớn, và theo đó là chênh lệch lớn giữa đầu tư và tiết kiệm trong nước.

Xét trên lĩnh vực đầu tư, một vấn đề đáng quan tâm là sự tương tác giữa FDI và đầu tư trong nước. Trong giai đoạn 2000 – 2008, tác động kích thích đầu tư trong nước lớn nhất là ngành sản xuất và lắp ráp xe máy và phụ tùng. FDI vào ngành này chỉ tăng khoảng 1,5 lần song đầu tư trong nước cũng đã tăng xấp xỉ 7,9 lần. Đối với ngành sản xuất các sản phẩm lương thực, FDI tăng khoảng 1,2 lần cũng khiến đầu tư trong nước tăng khoảng 6,2 lần. Đối với ngành sản xuất các loại vật liệu xây dựng, thức ăn gia súc, xe có động cơ, xe máy và phụ tùng, các loại thiết bị và máy móc cho y tế, tác động kích thích đầu tư trong nước của FDI cũng khá lớn, nằm trong khoảng 4 – 4,3 lần. Một nghiên cứu gần đây sử dụng các số liệu vĩ mô cho thấy, FDI có tác động tích cực đối với xuất khẩu. Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trong ngắn hạn, giải ngân FDI tăng 1% làm xuất khẩu tăng 0,14%. Trong dài hạn sẽ có tác động lớn hơn với mức tăng tương ứng của xuất khẩu là 0,99%. Tác động lớn hơn trong dài hạn so với trong ngắn hạn là tác động lan tỏa của FDI với các DN trong nước qua học quản trị, kỹ năng lao động. FDI là một nhân tố đáng kể làm tăng nhập khẩu, nhập siêu qua hàng hóa vốn (thiết bị máy móc, song trong nhiều trường hợp chưa tạo được năng lực cạnh tranh trong dài hạn), hàng trung gian với một phần đáng kể là để sản xuất hàng hóa cuối cùng tiêu thụ trong nước.

Ở cấp độ tổng thể, hội nhập kinh tế đã tác động mạnh đến thương mại xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, tăng từ 14,5 tỷ USD năm 2000 lên 39,8 tỷ USD năm 2006 và lên tới 72,2 tỷ USD năm 2010. Tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa trong GDP cũng tăng từ 44,7% năm 2000 lên 65,3% năm 2006 và đạt tới 70,7% vào năm 2010. Theo ông Võ Trí Thành, hai nhân tố quan trọng dẫn đến kết quả tăng trưởng xuất khẩu này là do mức tăng trưởng thương mại toàn cầu và tự do hóa, cải thiện khả năng cạnh tranh.

Tương tự, nhập khẩu hàng hóa cũng tăng từ 15,6 tỷ USD lên 44,9 tỷ USD trong giai đoạn 2000 – 2006 và lên 85 tỷ USD năm 2010. Tỷ lệ nhập khẩu so với GDP cũng tăng từ 49,6% năm 2000 lên 73,8% năm 2006 và đạt đỉnh khoảng 90% vào năm 2008, sau đó giảm còn 82,9% vào năm 2010. Nhập siêu hàng hóa có xu hướng tăng liên tục, đặc biệt sau khi gia nhập WTO, nhập siêu hàng hóa còn tăng nhanh hơn, đạt tới 14,2 tỷ USD năm 2007 và 18 tỷ USD năm 2008. Do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và các chính sách kiềm chế nhập siêu, nhập siêu chỉ còn 12,9 tỷ USD năm 2009 và 12,4 tỷ USD năm 2010. Diễn biến tăng nhập siêu đi liền với sự mất cân đối nghiêm trọng giữa đầu tư và tiết kiệm trong nước, cách thức điều hành chính sách vĩ mô (tài khóa, tiền tệ, tỷ giá), chính sách đầu tư và thương mại. Một khía cạnh quan trọng cần xem xét là cấu trúc hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu dường như không có bước đột phá trong giai đoạn 2001 – 2010. Xuất khẩu chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, các mặt hàng nông sản và các mặt hàng sử dụng nhiều nhân công trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, cơ cấu xuất khẩu cũng đang có sự chuyển dịch tích cực bước đầu về phía các mặt hàng thâm dụng vốn và đòi hỏi trình độ sản xuất tay nghề cao hơn.

Đưa ra những kiến nghị chính sách nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu giai đoạn 2011 – 2020, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, trước hết cần có các biện pháp khuyến khích tiết kiệm và giảm tiêu dùng, có thể áp dụng các biện pháp hành chính, hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập hàng tiêu dùng xa xỉ. Chính sách thu hút FDI cần tập trung vào những đối tác nhiều tiềm năng, dần chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ đầu tư vào công nghiệp chế biến, tạo thêm năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu mới. Một định hướng chính sách cần được quan tâm là đầu tư phát triển cụm ngành, công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập khẩu, tăng hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu. Ông Võ Trí Thành nhấn mạnh Quyết định số 12/2011 của Thủ tướng chưa tạo ra được “làn gió mới” trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Nhóm các chuyên gia trong nước cũng cho rằng, cần phải tập trung đầu tư mở rộng năng lực sản xuất các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu. Cụ thể ở đây là 8 mặt hàng (sản phẩm nhựa, gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, điện tử - điện lạnh và linh kiện, dây điện và cáp điện, cơ khí, vật liệu xây dựng) đã đạt tốc độ tăng xuất khẩu bình quân cao hơn tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong giai đoạn 2006 – 2010 và đều có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Đồng thời, cần định hướng phát triển xuất khẩu một số mặt hàng có tiềm năng như giày dép, công nghiệp phần mềm, nâng cao giá trị xuất khẩu hàng nông sản hướng vào chế biến sâu, có hàm lượng khoa học công nghệ ngày càng cao.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, thay đổi cơ cấu đầu tư, cải thiện chất lượng hàng hóa xuất khẩu là những vấn đề mấu chốt để đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế. Do vậy, trong giai đoạn 2011 – 2020, cần phải tăng cường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi hàng rào kỹ thuật của các nước đối tác FTA và nhiều nước trong WTO áp dụng đã cao hơn hẳn so với Việt Nam, hàng Việt Nam không vào được các thị trường đó không phải là do thuế cao mà do yêu cầu kỹ thuật đối với hàng hóa của họ quá cao mà DN sản xuất của chúng ta chưa đáp ứng được.

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng trưởng

Kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, Giá các mặt hàng còn duy trì ở mức cao trong năm 2011. Cùng với đó, triển vọng kinh tế Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn và kinh tế còn tăng trưởng tương đối thấp ít nhất cho đến năm 2012. Tuy nhiên, xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế và việc tiếp tục thực hiện đàm phán FTA. Theo tôi, hội nhập kinh tế quốc tế kết hợp với cải cách trong nước sẽ mang lại lợi ích lớn hơn. Tuy nhiên, nước ta cần lưu ý có các chính sách hạn chế rủi ro tài chính và bất ổn kinh tế vĩ mô. Theo đó, Việt Nam nên chú trọng cắt giảm đầu tư công và tăng cường kỷ luật tài khóa, sử dụng hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập khẩu hàng xa xỉ. Về thu hút FDI, nên tập trung vào những đối tác có tiềm năng, cơ cấu lại tăng FDI vào công nghiệp chế biến nhằm tăng năng lực sản xuất, xuất khẩu. Sử dụng vốn ODA gắn với hiệu quả, tính bền vững nợ công và nợ nước ngoài.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Cơ hội thu hút vốn cho Việt Nam

Vì kinh tế Mỹ, EU giảm sút thì dòng vốn đầu tư sẽ chuyển dịch về các nước khác trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cần lưu ý, Việt Nam lâu nay vẫn thu hút FDI một cách thụ động tức là thu hút bằng các biện pháp ưu đãi đầu tư, thậm chí chấp nhận cả những dự án có công nghệ thấp hoặc gây ra ô nhiễm môi trường. Do đó, chính sách thu hút đầu tư cũng phải có sự thay đổi trong giai đoạn tới. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải xem xét những tác động của hội nhập tới thị trường nội địa, phải xem xét vì sao thương nhân nước ngoài mua gom nông sản ngay tại thị trường trong nước. Cũng cần phải có chiến lược phát triển nhân lực phù hợp với hội nhập vì năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu kém một phần là do chất lượng lao động và biến động lao động. Trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp cũng cần phải có những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao sức cạnh tranh.


Thu Hường thực hiện
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN