Tìm hướng đi bền vững cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Thị trường sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển nhưng cũng đối mặt không ít thách thức.

Chú thích ảnh
Khách chọn mua các sản phẩm mây tre đan truyền thống của Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Đây là nội dung được các đại biểu chia sẻ tại "Diễn đàn kết nối thương mại sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP với hệ thống khách hàng chiến lược tại Việt Nam" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, chiều 18/10.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, thông tin: Việt Nam có gần 1.400 làng nghề truyền thống, 774.392 cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung nhiều ở nhóm đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thêu ren, cơ khí nhỏ; còn lại là nhóm chế biến nông lâm thuỷ sản. 

Số lao động trong các làng nghề hiện đạt hơn 1,4 triệu, trong đó có hơn 91% là lao động thường xuyên. Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề; bước đầu đã phát triển theo hướng du lịch, xây dựng các mô hình, tour, tuyến du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Mẫu mã sản phẩm và vùng nguyên liệu đã được trú trọng và quan tâm. Sản phẩm từ làng nghề đã được truyền thông, xây dựng câu chuyện sản phẩm để quảng bá trong và ngoài nước. Nhiều làng nghề nổi tiếng và có nhiều nghệ nhân có tay nghề được vinh danh…

Bên cạnh đó, ngành thủ công mỹ nghệ cũng đang đứng trước nhiều thách thức như: thiếu liên kết ngành trong tổ chức sản xuất, thiếu sự liên kết giữa các hiệp hội với các doanh nghiệp, các trường đào tạo, làng nghề, nghệ nhân. Phát triển nghề, làng nghề còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tận dụng lao động và không gian trong các hộ gia đình là chủ yếu. Chưa có mô hình toàn diện để phát triển làng nghề gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ. 

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tuy đã cải tiến về mẫu mã nhưng tính thẩm mỹ, nghệ thuật chưa cao; sử dụng nguyên liệu ảnh hưởng đến môi trường, chưa rõ nguồn gốc… Việc truyền nghề cho thế hệ trẻ gặp nhiều khó khăn khiến không ít làng nghề bị mai một. 

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, mục tiêu của Việt nam là gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề; thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hướng tới  kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt khoảng 6 tỷ USD.

"Muốn vậy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tổ chức sản xuất, đào tạo phát triển nguồn nhân lực song song với bảo tồn, phát triển làng nghề", bà Nguyễn Thị Hoàng Yến nhấn mạnh.

Cụ thể, xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức liên kết sản sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và các làng nghề; tổ chức đào tạo nghề cho lao động làm trong các làng nghề, nhất là lao động trẻ về các kiến thức khởi nghiệp, ứng dụng chuyển đổi số; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các nghệ nhân; nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho các nghệ nhân truyền nghề; duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa nghề truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. 

Ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, chia sẻ: Gốm sứ là nghề truyền thống tại Bình Dương nhưng hiện nay khá khó khăn cả về thị trường tiêu thụ, lao động và nguyên liệu sản xuất. Theo đó, doanh số mặt hàng gốm sứ hiện nay đang giảm khoảng 50% so với giai đoạn trước do giá cước vận chuyển quốc tế tăng cao, chi phí sản xuất tăng và nhu cầu thị trường thấp.

Không những thế, lao động trong các cơ sở gốm sứ phần lớn đều đã nhiều tuổi còn người trẻ không mặn mà với ngành này. Việc đào tạo lao động có chuyên môn liên quan ở các trường đại học cũng hạn chế. Thêm vào đó, nguồn nguyên liệu cho sản xuất gốm sứ đang ngày càng thu hẹp do quá trình quy hoạch, đô thị hoá. 

Theo ông Vương Siêu Tín, số cơ sở sản xuất gốm sứ tại Bình Dương đã giảm tới 70 - 80% so với thời kỳ phát triển hoàng kim, số lao động trong mỗi cơ sở cũng giảm đáng kể. Nhu cầu thị trường có thể sẽ khả quan hơn trong thời gian tới nhưng nếu không có giải pháp căn cơ về nguồn lao động cũng như nguyên liệu sản xuất lâu dài thì ngành gốm sứ Bình Dương khó có thể duy trì và cạnh tranh được trên thị trường.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, cho biết: Người tiêu dùng hiện nay quan tâm nhiều hơn đến việc sản phẩm được sản xuất ở đâu và như thế nào. Các sản phẩm có thông tin minh bạch về quy trình sản xuất, chứng nhận bền vững hay có khả năng truy xuất nguồn gốc thường được ưa chuộng hơn. 

Đối với nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường, có tính độc đáo và cá nhân hoá, kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại. Một xu hướng đang chú ý là mua sắm trực tuyến và quốc tế hoá thị trường. Đây là cơ hội để sản phẩm của làng nghề vươn xa ra khỏi làng, biên giới quốc gia và tiếp cận với khách hàng toàn cầu. 

Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, để khai thác được thị trường hiệu quả trong bối cảnh cạnh tranh, các làng nghề, cơ sở sản xuất phải đảm bảo việc thực hành sản xuất bền vững, minh bạch nguồn gốc xuất xứ, xây dựng được câu chuyện hấp dẫn, độc đáo cho sản phẩm.

Cùng quan điểm, ông Adam Koulaksezian, Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam có lợi thế rất lớn cả về nguồn tài nguyên và con người khéo léo, có khả năng tạo ra rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp mắt. Tuy nhiên, chỉ một bộ phận nhỏ khách du lịch nước ngoài biết đến những sản phẩm này. Nguyên nhân có thể đến từ việc hạn chế trong hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

"Do đó, song song với việc tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ Việt Nam cần hiện diện nhiều hơn ở các hội chợ, triển lãm quốc tế; đặc biệt, cần chú ý việc xây dựng thương hiệu thông qua câu chuyện cho thấy những giá trị khác về mặt văn hoá, lịch sử và sự sáng tạo của nghệ nhân trong từng sản phẩm", ông Adam Koulaksezian chia sẻ.

Xuân Anh  (TTXVN)
Phát triển du lịch gắn với làng nghề thủ công Duyên Thái
Phát triển du lịch gắn với làng nghề thủ công Duyên Thái

Với mong muốn phát triển du lịch gắn với các làng nghề thủ công Duyên Thái (huyện Thường Tín, TP Hà Nội), ngày 8/10, sự kiện giới thiệu chương trình du lịch “Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái” đã diễn ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN