Tìm giải pháp bổ sung hơn 21 triệu m3 cát cho các dự án cao tốc

Ngày 15/9, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đã trực tiếp đi khảo sát tình hình khai thác khoáng sản cát sông, nhằm đánh giá lại trữ lượng của tất cả các mỏ cát sông trên địa bàn. Qua đó, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản; quản lý chặt chẽ nguồn vật liệu xây dựng phục vụ các dự án cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình (thứ 3 phải qua) cùng đoàn công tác của tỉnh khảo sát tại mỏ cát trên sông Hậu được cấp phép cho Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Nông nghiệp Thủ Tuyền.

Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh An Giang Thái Minh Hiển cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 3 mỏ cát được cấp phép hoạt động khai thác cát (trong đó, mỏ cát của Công ty TNHH Thương mại Tân Hồng và của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Nông nghiệp Thủ Tuyền là 2 mỏ được cấp phép theo hình thức lựa chọn khu vực khai thác và nhà thầu; mỏ cát của Công ty TNHH Châu Phát được cấp phép thông qua hình thức đấu giá) với tổng trữ lượng khoảng 4,6 triệu m3 cát, đã khai thác được khoảng 2,7 triệu m3, còn lại khoảng 1,9 triệu m3. 

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh An Giang, đối với các mỏ cát phục vụ công trình trọng điểm quốc gia thì An Giang triển khai theo hình thức lựa chọn khu vực khai thác và nhà thầu; các mỏ cát cát phục vụ nhu cầu dân sinh sẽ được triển khai qua hình thức đấu giá, nên nguồn cát cung cấp cho nhu cầu dân sinh trên đại bàn vẫn được đảm bảo.

“Tổng nhu cầu cát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mà An Giang phải cung cấp cho các công trình trọng điểm quốc gia là hơn 23 triệu m3. Do đó, để đảm bảo nguồn cát phục vụ các dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và phục vụ các công trình giao thông nội tỉnh An Giang thì 3 mỏ này không đáp ứng đủ. Hiện, UBND tỉnh đang chuẩn bị thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tiến hành rà soát lại một số mỏ cát khác để tiếp tục triển khai” - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh An Giang Thái Minh Hiển cung cấp thêm. 

Sau khi trực tiếp khảo khu vực khai thác cát trên sông Hậu của Công ty TNHH Thương mại Tân Hồng (trữ lượng cấp phép khai thác khoảng 1,7 triệu m3) và Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Nông nghiệp Thủ Tuyền (trữ lượng cấp phép khai thác khoảng 1,8 triệu m3), Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, các sở, ngành và địa phương viên quan đơn vị chức năng khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh về phương án phân bổ nguồn vật liệu xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu, tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các công trình trọng điểm của tỉnh. 

Đối với các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản, phải lắp đặt camera trên từng phương tiện khai thác để kiểm soát sản lượng, khối lượng cát tại mỏ khai thác. Đơn vị vận chuyển phải cung cấp số hiệu từng phương tiện sà lan đã đăng ký vận chuyển cát phục vụ công trình, dự án cụ thể và phải lắp đặt định vị, có đường truyền về máy chủ đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường, cũng như phân quyền truy cập cho lực lượng làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra.

Chủ đầu tư các dự án cao tốc, các công trình trọng điểm của tỉnh được cung ứng nguồn cát phải phối hợp kiểm tra khối lượng cát đến công trình, có báo cáo hàng tháng về Sở Tài nguyên và Môi trường để đối chiếu số liệu với sản lượng cung cấp từ các mỏ, đảm bảo lượng cát cung cấp đến công trình đúng khối lượng và đúng địa chỉ, không để thất thoát ra bên ngoài.

Nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa nguồn cát trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đầu vào, đầu ra của nguồn cát, không để thất thoát, đảm bảo minh bạch, khai thác đúng trữ lượng được cấp phép; khi phát hiện các dấu hiệu  nếu bất thường phải báo cáo UBND tỉnh để kiểm tra chấn chỉnh kịp thời. 

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang giao các địa phương tăng cường theo dõi, giám sát, quản lý chặt chẽ việc khai thác cát của các doanh nghiệp trên địa bàn, đảm bảo thời gian, trữ lượng khai thác. Việc cấp phép khai thác cát, thời gian và trữ lượng khai thác tại các mỏ sẽ được thông tin rộng rãi để người dân nắm, cùng tham gia giám sát việc khai thác cát.

Bên cạnh đó, các địa phương được An Giang cung cấp nguồn cát để thực hiện các dự án cao tốc cần phối hợp chặt chẽ với An Giang, nhất là việc quản lý nguồn cát khi ra khỏi địa bàn của tỉnh, tránh thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm…

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định, hiện nay, vấn đề khai thác cát phục vụ các dự án cao tốc phải đảm 2 nguyên tắc, đó là đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các công trình trọng điểm quốc gia và phải thường xuyên đánh giá ĐTM (đánh giá tác động môi trường) để tránh sạt lở. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nếu khai thác quá trữ lượng, hay không quản lý chặt chẽ việc thực hiện đánh giá ĐTM thì sẽ gây ra sạt lở, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đời sống của người dân. Do đó, hiện nay, song song với quá trình khai thác cát tại các khu vực mỏ đã được cấp phép, An Giang đồng thời cho thực hiện việc đánh giá lại ĐMT theo các mốc thời gian cụ thể, qua đó hạn chế tới mức thấp nhất những hệ lụy từ hoạt động khai thác cát sông.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay có nhiều doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động khai thác cát, do đó, thời gian tới UBND tỉnh An Giang sẽ tiến hành khảo sát các khu mỏ và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp khai thác mỏ. Các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật thì phải hoạt động bình thường trở lại với trữ lượng được cấp và phải đảm bảo tiến độ, trữ lượng khai thác, thời gian khai thác… tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm cát, gây ra những “cơn sốt” về cát trên thị trường.

“Nếu như, doanh nghiệp nào không tuân thủ theo các quy định này thì An Giang sẽ mạnh dạn thu hồi giấy phép. An Giang sẽ làm nghiêm vấn đề này, một mặt nhanh chóng không để khan hiếm nguồn cát, làm cho giá cả thị trường tăng, ảnh hưởng đến các công trình trọng điểm”- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

Song song đó, UBND An Giang sẽ công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về số lượng các mỏ khai thác cát đã được cấp phép, vị trí, thời gian khai thác, trữ lượng, số lượng phương tiện tham gia khai thác cát,… của từng mỏ cát cụ thể, để chính quyền địa phương và bà con nhân dân cùng tham gia giám sát. 

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, với sự tham gia giám sát của người dân, của chính quyền địa phương và các ngành liên quan thì việc khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang từng bước sẽ được chấn chỉnh, thực hiện theo đúng quy định, nghiêm túc, không xảy ra những hệ luỵ như thời gian vừa qua.

Bài và ảnh: Công Mạo (TTXVN)
Ưu tiên cân đối, điều phối nguồn cát cho dự án cao tốc
Ưu tiên cân đối, điều phối nguồn cát cho dự án cao tốc

Nguồn cát cung ứng cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện đang khan hiếm. Tuy nhiên, Đồng Tháp vẫn đang tính toán, cân đối để cung ứng cát cho 2 dự án đường cao tốc: Cần Thơ - Cà Mau và Cao Lãnh - An Hữu với tổng số hơn 10,5 triệu m3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN