Chia sẻ tại tọa đàm Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi qua phát triển văn hóa, du lịch do Tạp chí Công Thương tổ chức chiều 1/12, ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết thời gian qua, tỉnh đã tiêu thụ hàng hoá qua rất nhiều kênh phân phối, cả truyền thống và hiện đại. Đặc biệt, cùng với việc phát triển du lịch - văn hóa, việc tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang đã có ý nghĩa hết sức quan trọng.
“Du khách thông qua các hoạt động văn hoá du lịch, đặc biệt du lịch ở những nơi vùng sâu vùng xa, vùng núi, muốn có những trải nghiệm, muốn mua sản phẩm của bà con nhân dân ở khu vực này trực tiếp sản xuất, chế biến để mang về làm quà cũng như tiêu dùng. Qua đó cũng thúc đẩy hoạt động du lịch, hoạt động văn hóa phát triển hơn, đồng thời tăng cường việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho bà con nông dân ở các xã vùng sâu vùng xa”, ông Lộc Kim Liễn cho biết.
Đại diện tỉnh Tuyên Quang cũng khẳng định, phương thức tiêu thụ thông qua hoạt động văn hoá - du lịch là một kênh tiêu thụ hữu ích, giúp cho bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa tại tỉnh Tuyên Quang có thể bán cũng như giới thiệu được sản phẩm của mình đến với thị trường và được bà con nhân dân khắp cả nước biết đến. Đặc biệt là các sản phẩm hiện nay đang có những chỉ dẫn địa lý như cam sành, bưởi hay chè shan tuyết tỉnh Tuyên Quang hiện nay đang được khách hàng ưa chuộng và tin dùng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chia sẻ, trên thế giới, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của du lịch thì ngày càng có sự thâm nhập lẫn nhau giữa hai lĩnh vực này. Ở Việt Nam cũng đang phát triển dần theo hướng đó. Trên thực tế Việt Nam là một cường quốc nông nghiệp với nhiều sản phẩm phong phú, du lịch cũng đang là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, đứng thứ 25 trên thế giới về tài nguyên du lịch, và đứng thứ 75 thế giới tiềm năng khách du lịch.
Ông Nguyễn Minh Phong nhận định: “Thông qua không chỉ các kênh truyền thống như là bán hàng tại chợ hoặc là thông qua các siêu thị hoặc là những hình thức khác thì việc khách du lịch đến tại vườn ăn ở và thu hái, mua sắm đã tạo ra một sự trải nghiệm mới cho du khách, đồng thời cũng là một kênh tiêu thụ tại chỗ, giúp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp có đầu ra một cách đều đặn hơn và hiệu quả cao hơn. Hơn nữa điều này còn giúp quảng bá trực tiếp thông qua những phản ánh của du khách về các đặc sản đó và từ đó làm tăng giá trị, sức hấp dẫn của các sản phẩm nông nghiệp gắn với vùng du lịch”.
Theo ông Nguyễn Minh Phong, đã đến lúc Chính phủ cần có những chỉ đạo để các cơ quan hữu quan thống nhất cách làm và có những bản ký kết mang tính chất liên ngành để tăng cường hỗ trợ tiêu thụ và nâng cao hiệu quả sản phẩm vùng miền. Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý có liên quan tới hoạt động này nhằm tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau; mở rộng hệ thống giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống mạng; quảng bá về sản phẩm, các danh mục cho đối tượng khách hàng tiềm năng.
Chuyên gia này cũng cho rằng, cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho địa phương, sản phẩm và thổi hồn văn hóa vào cho các sản phẩm để tăng sức hấp dẫn, thậm chí giá trị đạt được trong bán hàng cũng sẽ cao hơn.