Khi cung vượt cầu
Con đường vào xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu trải dài một màu xanh của những vườn nhãn, lác đác có cây hoa sau vẫn còn quả đang cho thu hoạch. Bóng xe tải đến thu mua nhãn cũng thưa dần.
Bà Nguyễn Thị Nhuân ở thôn An Cảnh, xã Hàm Tử cho biết, vườn nhãn của bà còn ít nhãn chín sau, quả không được đẹp nên mang bán nốt cho thương lái. Tuy nhiên, thương lái hiện đang thu mua với giá rất thấp, không còn cách nào khác đành phải bán được đồng nào hay đồng nấy.
Theo bà Nhuân, với giá bán "rẻ như cho", người trồng nhãn năm nay tiếp tục thất thu. Trong khi đó, mỗi vụ nhãn thuê nhân công giá rất cao, khoảng từ 450.000 - 500.000 đồng/người/ngày.
Ông Đỗ Bá Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã nhãn lồng Khoái Châu cho biết, giá nhãn Miền Thiết năm nay dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg và tiêu thụ rất chậm. Nguyên nhân chính của tình trạng này là cung vượt cầu. Hiện nay, quả nhãn được trồng ở khắp các tỉnh, thành phố nên nguồn cung khá dồi dào. Chính vì thế, những năm gần đây, nhãn khó tiêu thụ và thường bị thương lái ép giá.
Với khoảng 1.400 ha nhãn đang cho thu hoạch, huyện Khoái Châu là địa phương có diện tích lớn trồng nhãn chín muộn của tỉnh Hưng Yên, tập trung chủ yếu ở các xã Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ, Ông Đình... Nhãn Khoái Châu hiện nay bao gồm hai nhóm giống chính. Đó là nhóm giống chất lượng tốt như nhãn chín muộn Miền Thiết (PHM99-1.1); nhãn T2, nhãn T6, nhãn T1, nhãn siêu ngọt và một số nhãn chín sớm khác chiếm khoảng 90% diện tích. Những giống nhãn này được trồng ở vùng thâm canh cao, vùng chuyển đổi. Nhóm thứ hai là giống nhãn chất lượng thấp như nhãn nước, nhãn thóc, những giống nhãn này chiếm khoảng 10% diện tích và được trồng ở các vườn cũ, vườn tạp, khu vực công cộng, những nơi trồng phân tán.
Nhãn chất lượng vẫn hút khách
Theo ông Đỗ Bá Nghĩa, mặc dù trên thị trường cung đang vượt cầu nhưng loại nhãn có chất lượng cao vẫn rất hút khách. Người sành ăn vẫn tìm đến loại nhãn ngọt thơm được trồng trên đất Hưng Yên. Do đó, những vườn nhãn đạt tiêu chuẩn, chất lượng quả ngon ngọt vẫn hút khách, được nhiều người đặt hàng làm quà biếu và hầu như không có cơ hội bán ra thị trường.
Vườn nhãn của gia đình bà Nguyễn Thị Thuý ở thôn An Cảnh, xã Hàm Tử những năm gần đây luôn trong tình trạng không đủ để cung ứng. Theo bà Thuý, để có được kết quả đó, gia đình đã rất nỗ lực cải tạo và chọn giống cây cho quả đạt chất lượng.
Bà Thuý chia sẻ, bắt đầu từ năm 2015, gia đình bà chuyển dần từ giống nhãn Miền Thiết sang trồng nhãn siêu ngọt. Do thời gian chín muộn hơn các giống khác, chất lượng quả ngon nên giá nhãn siêu ngọt bán thường cao gấp 2 - 3 lần so với nhãn Miền Thiết. Với 2 ha nhãn, năm 2022 gia đình bà Thuý ước thu về hơn 10 tấn quả với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg.
"Điều đáng nói là với loại nhãn này chúng tôi không phải lo đầu ra, đa phần là khách đặt làm quà biếu và thường không đủ để bán cho khách. Gia đình tôi có những khách hàng "truyền thống", năm nào cũng mua tới vài tạ để biếu tặng, chính vì thế nên chưa bao giờ tôi phải mang nhãn ra chợ bán hoặc bị thương lái ép giá", bà Thuý nói.
Ông Nguyễn Văn Thế, người sáng lập Hợp tác xã nhãn Miền Thiết (xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu) cho biết, những năm gần đây, các hộ trồng nhãn được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nhãn an toàn. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp kéo dài thời gian thu hoạch để người nông dân có thể lựa chọn đầu ra có giá cả hợp lý; đồng thời thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của người trồng nhãn về vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy cách.
Ông Thế cũng cho biết, Hợp tác xã luôn nhắc nhở các thành viên không chạy theo lợi nhuận trước mắt, phải tuân thủ đúng quy trình, tiêu chuẩn VietGAP. Ngay từ đầu vụ nhãn, hợp tác xã đã yêu cầu bà con sản xuất theo đúng quy trình, không sử dụng hóa chất và thuốc diệt cỏ. Chính vì thế, nhãn của Hợp tác xã Miền Thiết luôn đạt chất lượng và bán được giá.
Nâng "chất" những vườn nhãn
Ông Đỗ Đình Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Agri Việt Hưng cho biết, Agri Việt Hưng đã có hơn 10 năm thu mua nhãn của huyện Khoái Châu nhưng nhãn đạt chất lượng luôn thiếu. Người tiêu dùng sành ăn không ngại chi ra cả trăm ngàn cho 1 kg nhãn, chính vì thế cần đẩy mạnh việc cải tạo các vườn nhãn có chất lượng kém, thay thế bằng các giống nhãn có chất lượng cao như các giống nhãn T2, T6, nhãn siêu ngọt, nhãn đường phèn có chất lượng cao để hướng tới các đối tượng khách hàng cao cấp trong nước song song với việc xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Đình Hưng cũng mong muốn các hộ trồng nhãn tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nhất là quy trình sản xuất VietGAP đang áp dụng theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra vừa đạt chất lượng vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Phạm Xuân Thắng, Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu cho biết, nhãn chín muộn Khoái Châu như một sản phẩm độc quyền, nổi tiếng với hương vị độc đáo là niềm tự hào của vùng đất, con người nơi đây. Lãnh đạo huyện Khoái Châu đang quyết tâm đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sinh thái, áp dụng công nghệ cao, phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, kết nối chặt chẽ với hệ thống tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; chú trọng bảo tồn nông sản đặc sản của địa phương, gắn với nâng cao chất lượng và bảo vệ môi trường.
Vụ nhãn năm 2022, UBND huyện Khoái Châu đã tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại tiêu thụ nhãn và nông sản huyện Khoái Châu. Lãnh đạo địa phương cũng đã và đang tiếp tục mời gọi các bạn hàng truyền thống, các đơn vị, cá nhân để tiêu thụ sản phẩm nhãn và nông sản của huyện.
Ngành nông nghiệp huyện Khoái Châu cũng đang khuyến khích nông dân cải tạo các vườn nhãn có chất lượng kém, thay thế bằng các giống có chất lượng cao như T1, T2, T6, siêu ngọt, nhãn đường phèn, nhãn ánh vàng... để hướng tới phục vụ đa dạng thị trường trong nước. Cùng với đó, nông dân tích cực thâm canh nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.