Cây sầu riêng sai trái đến ngày thu hoạch của người dân. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN |
Huyện Cai Lậy đã quy hoạch phát triển vùng trồng cây ăn quả đặc sản ở phía Nam quốc lộ 1 có tổng diện tích trên 14.300 ha chuyên canh gồm các giống cây trồng có lợi thế cạnh tranh cao: sầu riêng, bưởi da xanh, cây có múi, vú sữa Lò Rèn... được thị trường trong nước và xuất khẩu rất ưa chuộng. Tại đây, nông dân quan tâm tuyển chọn giống tốt, chất lượng cao, quy hoạch lại vườn cây một cách khoa học, lắp đặt hệ thống tưới phun tự động tiết kiệm nước, sử dụng phân hữu cơ để duy trì sự sung mãn và tăng tuổi thọ vườn cây ...
Đặc biệt, huyện đã thành công với việc mở rộng diện tích vườn chuyên canh sầu riêng lên trên 7.000 ha, lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các giống chất lượng cao như: Ri6, Mong Thong...Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh, nông dân đã nâng cao năng suất sầu riêng lên 20 tấn/ha và giá bán đạt từ 25.000 - 30.000 đồng/kg/ha cho giá trị hơn 500 triệu đồng trở lên. Trong vụ nghịch vừa qua, giá sầu riêng đạt kỷ lục từ 70.000 - 80.000 đồng/kg/ha cho lợi nhuận gần 1 tỷ đồng.
Điển hình như nông dân Huỳnh Văn Kem ở xã Cẩm Sơn có 7.000 m2 đất trồng chuyên canh sầu riêng. Trong năm vừa qua, ông Kem thu 20 tấn quả và với bán giá bình quân 70.000 đồng/kg, ông Kem thu về 1,4 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ông Kem còn lãi khoảng 1 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Văn Kem cho biết, lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản là hướng đi đúng, giúp nông dân làm giàu nhanh. Bản thân ông nhờ vườn sầu riêng chuyên canh đã dựng nên cơ nghiệp vững vàng. Huyện cũng đã được công nhận chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu “sầu riêng Ngũ Hiệp” nhằm mở ra hướng phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh của cây trồng đặc sản này.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, nhờ vào vườn chuyên canh cây ăn quả đặc sản, hầu hết nông hộ đều có cuộc sống ổn định. Nhiều hộ khấm khá hẳn lên, trở thành điển hình sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Hiện nay, huyện đang có kế hoạch đẩy mạnh khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiện toàn đê bao ngăn lũ kết hợp với phát triển giao thông nông thôn nhằm tạo thuận lợi để bà con chuyển đổi diện tích vườn tạp còn lại thành vườn trồng cây ăn quả đặc sản. Huyện cũng đã đạt sản lượng trái cây các loại trên 285.000 tấn quả/năm.