Anh Nguyễn Nguyên (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, tháng 5 nhà anh sử dụng hết 363 kWh, số tiền phải nộp là 815.000 đồng, đến tháng 6, nhà anh sử dụng hết 884 kWh, số tiền phải trả là gần 2,5 triệu đồng. Như vậy, mức dùng điện của gia đình tăng 2,4 lần, nhưng số tiền phải trả lại gấp 3 so với tháng trước.
Theo biểu giá bán lẻ điện hiện nay đang áp dụng, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc, bậc 1 từ 0-50 kWh có giá 1.678 đồng/1kWh, bậc 2 từ 51-100 kWh có giá 1.734 đồng/kWh, bậc 3 từ 101-200 kWh có giá 2.014 đồng/kWh, bậc 4 từ 201-300 kWh có giá 2.536/kWh, bậc 5 từ 301-400 kWh có giá 2.834/kWh, bậc 6 từ 401 kWh trở lên có giá 2.927 đồng/kWh.
Như vậy, với cách tính này, gia đình anh Nguyên phải trả 484 kWh ở mức giá cao nhất 2.927 đồng/kWh chưa tính thuế VAT, nên có sự chênh lệch giữa mức độ tăng tiêu dùng và số tiền phải trả.
Đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng, tiền điện hộ gia đình tăng trong đợt nắng nóng vừa qua có thể do việc nhảy bậc thang khi mức tiêu thụ tăng. Bởi, theo cách tính giá điện hiện hành, biểu giá lẻ điện sinh hoạt hiện được thiết kế theo bậc thang với 6 bậc, trên cơ sở mức giá bình quân 1.864,44 đồng/kWh, tuy nhiên, với mức tiêu thụ từ 400 kWh trở lên sẽ bị tính đơn giá tối đa 2.927 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT).
Ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội thẩm định giá nhận xét, biểu giá bán lẻ sinh hoạt 6 bậc thang hiện nay có giãn cách về giá giữa các bậc chưa hợp lý. Chẳng hạn, bậc 1 là 1 lần, bậc 2 là 1,03 lần; bậc 4 là 1,26 lần, bậc 5 là 1,12 và bậc 6 là 1,03 lần.
Ngoài ra, ở mỗi bậc thang thì người dùng điện chỉ được hưởng một định mức khống chế tính giá nhất định, gắn với mức giá từng bậc. Bậc giá thấp thì định mức tiêu dùng điện thấp, bậc có định mức tiêu thụ cao hơn giá sẽ cao hơn. Do đó, chỉ cần tăng sử dụng lên một bậc giá, tổng số tiền điện sẽ tăng nhanh hơn so với tốc độ dùng điện.
Cùng quan điểm, GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam phân tích, nhiều quốc gia thiết kế biểu giá luỹ tiến với khoảng cách bậc thang và mức nhảy giá bằng nhau. Hoặc cách thứ 2 là thiết kế khoảng cách bậc thang đều nhau, nhưng bậc thang càng cao thì bước nhảy giá càng lớn để thúc đẩy tiết kiệm điện.
Việt Nam lại thiết kế theo bước nhảy giá không đồng đều, không theo quy luật, càng dùng nhiều càng tăng giá như thông lệ. Trong đó, giá điện ở bậc 4 cao hơn bậc 3 tới hơn 500 đồng/kWh, trong khi bậc 6 là bậc cao nhất lại có mức chênh lệch khá nhẹ so với bậc liền kề bên dưới.
“Nên xem xét lại biểu giá theo hướng điều chỉnh giá lũy tiến hợp lý hơn, để bảo đảm công bằng giữa các bậc. Khu vực sử dụng điện ở mức trung bình và phổ biến thì giá điện phải gần bằng với giá bình quân, còn dùng cao hơn phải áp giá mạnh”, GS Trần Đình Long cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng nên áp dụng một giá điện để việc tính toán dễ hiểu, không phức tạp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Thoả, nếu một đơn giá, nhược điểm lớn là không khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, trong khi điện không phải là tài nguyên vô tận, đang được sản xuất chủ yếu từ các nguồn tài nguyên không tái tạo. Giá điện đồng giá chỉ được áp dụng khi thị trường điện bán lẻ hình thành. Dự kiến tới năm 2025, Việt Nam mới có thị trường này.
Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo hướng rút gọn từ 6 bậc về 5 bậc. Nhưng do ảnh hưởng COVID-19, nên việc trình phương án lên cấp có thẩm quyền được hoãn lại.
Như vậy, với phương án đang được lấy ý kiến từ đầu năm, bậc 1 và 2 hiện hành sẽ gộp thành một bậc 0-100 kWh với đơn giá 1.549 đồng/kWh, bậc 2 là 101-200 kWh giá 1.858 đồng một kWh...
Bộ Công Thương đánh giá, giảm về 5 bậc thang giá điện đảm bảo cho khoảng hơn 92% tổng số hộ có mức tiêu dùng điện dưới 700 kWh không tăng hoặc giảm tiền điện. Trường hợp hộ dùng điện từ 701 kWh trở lên, tiền điện một tháng phải trả thêm là 29.000 đồng và có khoảng 0,5 triệu hộ trong diện này, chiếm 1,8%.
Mặt khác, số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách (cho 100 kWh điện đầu tiên) không thay đổi so với hiện hành. Bộ này cũng cho rằng, mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và cuối là 2 lần.
Liên quan đến sai sót ghi chỉ số tiêu thụ điện ở một số nơi vừa qua, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, những vụ việc sai sót vừa qua là do cá nhân, chứ không liên quan đến công tơ đo đếm và quản lý kỹ thuật. Ngành Điện vẫn thường xuyên cập nhật và kiểm tra định kỳ hệ thống công tơ, giảm thiểu hỏng và sai số. Mọi hoạt động đều thực hiện online và công tơ được đánh mã vạch để giám sát đảm bảo không có sai sót. EVN đang tiếp tục hoàn thiện quy trình ghi chỉ số, phúc tra, lập hóa đơn tiền điện. Trong trường hợp khách hàng có chỉ số sử dụng điện tăng đột biến thì kiểm tra chéo, nhằm hạn chế mức thấp nhất sai số có thể xảy ra.
EVN cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, các tổng công ty Điện lực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Miền Trung sẽ thay thế 100% công tơ điện tử. Tổng công ty Điện lực miền Bắc và miền Nam sẽ phấn đấu lắp đặt 100% công tơ điện tử tại các thành phố, thị trấn, thị xã, còn các địa bàn vùng sâu vùng xa sẽ cố gắng phủ ít nhất 50%.