Những năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa hai bên tiếp tục được tăng cường, đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực thương mại biên giới. Lực lượng chức năng hai bên đã phát huy hiệu quả các cơ chế gặp gỡ, thực hiện các cuộc hội đàm, trao đổi thư về tình hình xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, phòng, chống dịch bệnh; qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn thương mại biên giới.
Thời gian qua, diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn. Nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế cùng với sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, xử lý của các cấp, ngành, địa phương nên Lạng Sơn vẫn giữ vai trò là một trong những cửa ngõ chính kết nối xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc.
Đảm bảo phòng dịch nghiêm ngặt
Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, nơi có lượng người và phương tiện xuất nhập khẩu hàng hóa lưu thông lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn, ngay từ những ngày đầu xuất hiện dịch bệnh COVID-19, lực lượng chức năng đã thành lập đội lái xe chuyên trách chỉ hoạt động trong khu vực cửa khẩu, luôn tuân thủ nghiêm ngặt về kiểm tra y tế, khai báo thông tin bản thân, đặc biệt là khai báo về lịch sử dịch tễ.
Những lái xe, chủ hàng đến từ địa phương có diễn biến dịch phức tạp, cán bộ y tế cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị yêu cầu phải có giấy kiểm dịch âm tính đối với virus SARS-CoV-2 trong thời hạn 1 tuần mới được phép vào khu vực cửa khẩu.
Nhằm ngăn chặn các nguồn lây lan dịch bệnh, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Lạng Sơn thường xuyên phun khử trùng định kỳ 2 lần/ngày đối với toàn bộ khu vực cửa khẩu, bãi đỗ xe, khu vực thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Tổ trưởng Tổ Kiểm dịch y tế quốc tế – Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết, tổ thường xuyên cắt cử cán bộ, nhân viên tuyên truyền, nhắc nhở những lái xe chuyên trách và các chủ hàng, chủ doanh nghiệp tại cửa khẩu phải thực hiện nghiêm khâu phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đảm bảo mặc quần áo bảo hộ đầy đủ, đúng quy cách.
Đặc biệt, đơn vị thường xuyên kiểm tra, rà soát chặt chẽ các giấy tờ xét nghiệm COVID-19, nếu còn hiệu lực và đầy đủ thì mới cho qua cửa khẩu. Không chỉ riêng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị mà hiện nay, tại các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma và Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, lực lượng kiểm dịch y tế đều thực hiện phun tiêu độc, khử khuẩn 2 lần/ngày.
Thiếu tá Trần Văn Hùng, Phó Trạm trưởng Kiểm soát Biên phòng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn cho biết, số lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu ra vào cửa khẩu dao động khoảng 800 xe mỗi ngày với hàng nghìn lượt người. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, lực lượng biên phòng đã tích cực điều tiết phân luồng giao thông, đặc biệt là chủ động phân luồng từ xa ngoài khu vực cửa khẩu. Nhờ đó, đảm bảo không để ùn ứ phương tiện và ảnh hưởng tới thời gian thông quan hàng hóa.
Cùng đó, bộ đội biên phòng cũng thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền đến các lái xe, chủ hàng thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, không tập trung thành nhóm đông người ở trong khu vực cửa khẩu; tích cực phân luồng điều tiết phương tiện, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trực chốt trên biên giới, kiểm soát chặt các đường mòn, lối mở, chống xuất, nhập cảnh trái phép.
Tạo thuận lợi xuất nhập khẩu hàng hóa
Hiện nay, 5/12 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đang duy trì hoạt động thông quan thương mại hàng hóa. Để đảm bảo phát triển kinh tế cửa khẩu, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ giải pháp về phát triển kinh tế cửa khẩu, nhất là tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn, đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng...
Theo đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn duy trì thường xuyên hội đàm với Trung Quốc để thống nhất các nội dung về hợp tác phát triển thương mại biên giới, xuất nhập khẩu hàng hóa của cả hai bên. Đồng thời, chủ động thông tin những nội dung về quy định trong xuất nhập khẩu của hai nước để kịp thời thông báo tới cơ quan chức năng và doanh nghiệp có liên quan.
Phó Giám đốc sở Công Thương Lạng Sơn Liễu Anh Minh cho biết, để các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp chủ động trong quản lý, điều hành, Sở đã tăng cường thông tin, khuyến cáo trong ngành và các địa phương trên toàn quốc, hiệp hội ngành hàng về tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu Lạng Sơn; đồng thời, tạo điều kiện cho hàng hóa xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ
Ngoài ra, đơn vị còn chủ trì, phối hợp tham mưu thực hiện các nội dung về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và kết nối doanh nghiệp tiêu thụ nông sản để hỗ trợ nông dân…
Trong những tháng đầu năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu chủ lực của Lạng Sơn tương đối sôi động, lượng phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu tăng cao. Để giải quyết vấn đề trên, ngoài việc tích cực phân luồng, điều tiết phương tiện, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã chủ động tạo điều kiện thông quan hàng hóa, nhất là mặt hàng hoa quả tươi xuất khẩu.
Tại cửa khẩu Tân Thanh, trong tháng 5 và 6/2021, lực lượng chức năng mỗi ngày làm thủ tục xuất khẩu từ 200 - 250 xe các loại nông sản/ngày; trong đó, riêng mặt hàng quả vải thiều xuất khẩu dao động từ 100 - 150 xe/ngày; từ 19/5 đến 21/6, sản lượng vải thiều xuất khẩu đạt trên 45.500 tấn, với lưu lượng trên 1.900 lượt xe.
Phó Chi cục Trưởng Hải quan Tân Thanh Hoàng Thị Thiều Hoa cho hay, chi cục đã thực hiện luồng xanh đối với hàng hoa quả là vải tươi xuất khẩu đủ tiêu chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong lưu thông cũng như giải quyết thủ tục thông quan cho nông sản của các địa phương đang vào vụ thu hoạch để xuất khẩu qua cửa khẩu.
Theo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn trong 6 tháng ước đạt 1.960 triệu USD, bằng 63,6% kế hoạch, tăng 41% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu đạt 690 triệu USD, tăng 13,11% và nhập khẩu 1.270 triệu USD, tăng 62,82%.
Tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chức năng tại tỉnh Lạng Sơn phối hợp thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành trung ương về phòng chống dịch bệnh; tạo điều kiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu kịp thời.
Lực lượng chức năng của tỉnh duy trì trao đổi, hội đàm thường xuyên, kịp thời với chính quyền địa phương phía Quảng Tây (Trung Quốc) để thúc đẩy hợp tác phát triển thương mại biên giới; nâng cao quản lý cửa khẩu và phòng chống dịch bệnh hiệu quả.