Đây là nhãn hiệu bò đầu tiên của tỉnh Bến Tre được cấp giấy chúng nhận. Đây là cơ hội tốt để huyện Ba Tri giới thiệu, quảng bá sản phẩm bò ra thị trường và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo quy hoạch; nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị kinh tế của sản phẩm, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Ông Trần Giang Khuê, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (phải) trao Quyết định chứng nhận nhãn hiệu “Bò Ba Tri” cho đại diện huyện Ba Tri. Trần Thị Thu Hiền/TTXVN. |
Nuôi bò được xem thế mạnh của huyện Ba Tri, góp phần giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của nhiều hộ dân trên địa bàn. Năm 2000, toàn huyện có khoảng 32.521 con bò, chủ yếu là bò vàng địa phương, loại bò có thể trạng nhỏ, giá trị thịt thấp.
Từ năm 2002, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Ba Tri đã mạnh dạng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân thực hiện Dự án sind hóa đàn Bò giai đoạn 2002 – 2005, dự án Zebu hóa đàn bò từ 2005 – 2010 để nâng cao chất lượng đàn bò Ba Tri bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo các giống bò chuyên thịt như: Brahman, RedAngus, Limuosine, Charolais, BBB... Đây là những loại bò háo ăn, tăng trọng nhanh, khối lượng lớn, chất lượng thịt tốt…
Hiện đàn bò ở huyện Ba Tri có trên 94.000 con (chiếm 1/2 đàn bò của tỉnh); trong đó 60% là bò cái sinh sản, còn lại là bò nghé và bò nuôi vỗ béo… Trung bình hàng năm nông dân của huyện xuất bán khoảng 30.000 con bò ra nhiều tỉnh như An Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Phú Yên,…
Theo ông Trần Quốc Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri, việc nhãn hiệu “Bò Ba Tri” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp là tiền đề để phát triển thương hiệu riêng của huyện; đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm nông sản, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì thế, Ba Tri xác định mục tiêu phát triển đàn bò đến năm 2020 đạt số lượng 100.000 con.