Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, nếu chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, tất cả những ưu đãi trước đây và hiện nay mà Việt Nam dành cho doanh nghiệp như: miễn thuế, thuế suất ưu đãi thuế dưới 15% sẽ không còn tác dụng. Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chính sách, phương tiện thu hút đầu tư của Việt Nam.
“Vấn đề là nếu Việt Nam không tăng thuế thì các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng phải nộp bổ sung tại các nước khác. Do vậy, cần phải thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư để tương thích với thuế tối thiểu toàn cầu và ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đã đầu tư tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong Chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn thuế toàn cầu (BEPS) có sự tham gia của 141 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Theo đó, các công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR (19.500 tỷ đồng) trong ít nhất 2 năm của giai đoạn 4 năm liền kề trước năm soát xét sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Nếu đang chịu mức thuế thấp hơn 15% ở quốc gia mà họ đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ phải nộp phần “thiếu hụt” còn lại với mức thuế 15% cho quốc gia nơi họ có trụ sở chính.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc một loạt các quốc gia “xuất khẩu” đầu tư dự định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024 đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các quốc gia tiếp nhận, hay còn gọi là “nhập khẩu” đầu tư; trong đó, có Việt Nam.
Bởi trên thực tế, ưu đãi thuế dù không phải là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến việc ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, ưu đãi thuế chính là “chất xúc tác” quan trọng bên cạnh những lợi thế như: nguồn lao động, tiềm năng tăng trưởng kinh tế và quy mô thị trường… khiến môi trường đầu tư Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Hiện tại, để tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, ưu đãi thuế của Việt Nam cho hoạt động đầu tư phổ biến là ưu đãi thời gian miễn, giảm thuế đối với đầu tư mới, đầu tư mở rộng và cụ thể là miễn 4 năm, giảm 9 năm; miễn 2 năm, giảm 4 năm. Một số tính toán cho thấy, trong khi thuế suất phổ thông là 20% thì thuế thực tế với các doanh nghiệp FDI trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%; trong đó, một số tập đoàn lớn chỉ ở mức vài %.
Tuy nhiên, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, nếu trường hợp thuế tối thiểu toàn cầu được các quốc gia áp dụng vào năm 2024 thì các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam sẽ phải nộp phần thuế được giảm ở Việt Nam về Hàn Quốc.
“Như vậy những nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhằm thu hút FDI sẽ bị “vô hiệu hóa”, do thuế doanh nghiệp tăng cao, sẽ tác động đến năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư của Việt Nam”, ông Hông Sun nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho hay, để tận dụng cơ hội hay hóa giải thách thức khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì cần hành động chính sách, sửa đổi nội luật. Do đó, thách thức về thời gian để tìm kiếm giải pháp là lớn.
Theo đó, cần tận dụng thời gian để có phản ứng phù hợp, tận dụng cơ hội, giữ quyền đánh thuế, tăng thu ngân sách, vừa bảo đảm chủ trương thu hút "đại bàng" tới làm tổ, đầu tư".
Nhận định về tình hình một số quốc gia dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm 2024, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu bày tỏ, chính sách thuế này dự kiến sẽ có tác động đến hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài ở nhiều quốc gia; trong đó, có Việt Nam.
Tuy nhiên, mức độ tác động đến các quốc gia là khác nhau. Tại một quốc gia, tác động của chính sách này đến các nhà đầu tư cũng sẽ khác nhau tùy vào mức độ ưu đãi thông qua biện pháp giảm thuế suất và khấu trừ thuế đến đâu và quy mô doanh thu hợp nhất toàn cầu.
Chính sách thuế này được đánh giá có cả tác động tích cực - là tăng thu thuế cho quốc gia - như tên Chương trình tư vấn xây dựng chính sách thuế này và cả tác động tiêu cực đến thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo ông Phan Đức Hiếu, chính sách thuế này đã tác động đến thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) ngay từ bây giờ chứ không phải chờ đến ngày được áp dụng. Bởi, các nhà đầu tư đã tính toán đến việc thực thi chính sách thuế này để quyết định đầu tư năm nay và năm tiếp theo.
Tuy nhiên, ở chừng mực nào đó, rất có thể có những nhà đầu tư nhỏ nhưng nằm trong chuỗi sản xuất kinh doanh, là một phần trong hoạt động kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia phải chịu thuế suất thuế tối thiểu sẽ bị liên đới.
Trước tình hình này, ông Phan Đức Hiếu đề xuất cần nhanh chóng đánh giá để xác định mức độ bị tác động - bao gồm cả cơ hội và tác động tiêu cực. Đồng thời, nhanh chóng rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi. Từ đó, xác định chính xác phạm vi và mức độ bị tác động theo ngành, lĩnh vực, đối tượng, tác động tích cực - tiêu cực, cơ hội, thách thức.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, thời gian tới, các bộ, ngành có liên quan của Việt Nam sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc áp dụng các biện pháp kịp thời và phù hợp nhằm góp phần hài hoà lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư; giữ gìn hình ảnh ổn định của môi trường đầu tư Việt Nam; khuyến khích các nhà đầu tư duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam; tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.