Bộ Tài chính Mỹ muốn thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu ở mức 15%, giảm so với mức đề xuất 21% trước đó. Nếu chính sách thuế trên được thông qua, nó sẽ vẫn ảnh hưởng đến nhiều thị trường quốc tế. Theo đó, mức thuế 15% sẽ khiến một số quốc gia vốn không được coi là thiên đường thuế trở nên an toàn, như Thái Lan, Vương quốc Anh và Việt Nam.
Trong khi đó, tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore, nơi thuế suất doanh nghiệp nằm ở khoảng 15% đến 21% vẫn có thể gây ra nhiều vấn đề. Bởi trên thực tế, theo ghi nhận của giới chuyên gia kinh tế châu Á của Citi, mức thuế suất hiệu dụng ở hai nơi trên thấp hơn đáng kể nhờ các chính sách giảm và khuyến khích. Do vậy, mức thuế suất lợi nhuận 15% vẫn sẽ ảnh hưởng xấu đến Hong Kong và Singapore. Trong khi đó, Ireland và Khu hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc) với thuế suất doanh nghiệp lần lượt là 12,5% và 12%, sẽ nằm trong diện chịu ảnh hưởng xấu của chính sách thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 15%.
Theo phân tích của Goldman Sachs, một số công ty lớn của Mỹ đã tạo ra hơn 50% thu nhập từ thị trường quốc tế, có thuế suất hiệu dụng và thuế suất chung thấp hơn mức 15%, gồm có NVIDIA Corp., Broadcom Inc., Las Vegas Sands Corp. và Microchip Technology Inc. Còn tại châu Âu, giới phân tích ít thấy tác động từ mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%, bởi phần lớn các công ty ở đây đã trả mức thuế trên 21%.
Trong khi đó, mức thuế tối thiểu được đề xuất càng thấp thì mối đe dọa đối với các thiên đường thuế sẽ thực sự rõ ràng, như Jersey, quần đảo Cayman và quần đảo Virgin thuộc Anh. Bởi những nơi này có thuế suất doanh nghiệp 0%, nên họ sẽ chịu ảnh hưởng bởi thỏa thuận được ủng hộ rộng rãi của quốc tế ở bất cứ mức lãi suất nào.
Liên quan đến những lĩnh vực tương đối ít bị đánh thuế như thị trường chứng khoán, vốn hoạt động tốt kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, dường như không được các nhà hoạch định chính sách chú ý “nhắm tới”. Thậm chí ngay cả khi bỏ qua một bên ý tưởng về mức thuế tối thiểu toàn cầu, chính phủ của Tổng thống Joe Biden có kế hoạch tăng gấp đôi thuế đối với nguồn thu nhập vô hình toàn cầu chịu thuế, còn được gọi đạo luật GILTI.
Mặc dù vẫn chưa rõ liệu thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu sẽ được thông qua khi nào, nhưng những “con sâu” vốn lợi dụng sự chênh lệch thuế ở một số thiên đường thuế, sẽ phải chịu mức thuế chung cao hơn. Điều này cũng khiến những công ty chi trả thuế thấp thu nhập thấp và các nhà đầu tư của họ, sẽ phải chịu tác động.