Thuế tối thiểu toàn cầu: Bài 1- Sẵn sàng cho sân chơi mới

Dự kiến ngày 1/1/2024, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% sẽ bắt đầu có hiệu lực. Với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, chính sách thu hút đầu tư nhờ các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác như miễn giảm thuế nhập khẩu, miễn giảm thuế sử dụng đất, thuê đất của Việt Nam sẽ không còn hấp dẫn.

Vậy Việt Nam sẽ có các giải pháp thích ứng như thế nào để giữ vững vị thế điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước? TTXVN thực hiện chùm bài viết nhằm làm rõ vấn đề này cũng như ghi nhận những kinh nghiệm từ quốc tế với Việt Nam.

Chú thích ảnh
Sản xuất thép cuộn xuất khẩu tại Công ty TNHH Thép JFE Shoji Hải Phòng, vốn đầu tư Nhật Bản, tại Khu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Bài 1: Sẵn sàng cho sân chơi mới

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng. Theo đó, các doanh nghiệp có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ chịu mức thuế suất tối thiểu 15%. Nhiều nước OECD tuyên bố sẽ thực hiện quy tắc thuế mới này từ đầu năm 2024. Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đang triển khai các giải pháp, xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết cùng các giải pháp hỗ trợ nhằm thực thi thuế tối thiểu toàn cầu cho Việt Nam. Việt Nam đã sẵn sàng cho sân chơi mới, hoàn cảnh mới, điều kiện mới trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Sân chơi mới

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2) nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS), với 142 thành viên. Việt Nam đã tham gia và là thành viên thứ 100 của Diễn đàn BEPS từ năm 2017. Với việc tham gia BEPS từ khá sớm, đồng nghĩa với việc Việt Nam đã sẵn sàng cho sân chơi mới, hoàn cảnh mới, điều kiện mới trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, sự phát triển của kinh tế số và toàn cầu hoá đã và đang có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế - xã hội các quốc gia. Nhiều loại hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ra đời, đem lại những tiện ích mới cho khách hàng. Nhưng đồng thời, cũng đặt ra những thách thức mới cho các cơ quan quản lý, đặc biệt là các biện pháp quản lý thu thuế phù hợp nhằm ngăn chặn các hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng nguyên tắc áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu mà OECD/G20 công bố, các nước thành viên không bắt buộc phải áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng nếu lựa chọn áp dụng các quy định này thì các nước sẽ phải thực hiện nhất quán theo hướng dẫn. Trong trường hợp một nước không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận các quy định thuế tối thiểu toàn cầu được các thành viên khác áp dụng.

Đến nay, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu, Thuỵ Sĩ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, HongKong (Trung Quốc), Australia… đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam và là các nước có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia, có thể ảnh hưởng nhất thời đến hoạt động của hàng loạt các công ty đa quốc gia đã đầu tư vào Việt Nam như Samsung, Intel, Lotte, Formosa...

Qua thống kê, hiện nay có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp; đồng thời đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%; trong đó, thường là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron....

Theo đó, tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam, đạt khoảng 131,3 tỷ USD. Đây là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Chính vì vậy, nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng và Việt Nam không có những giải pháp ứng phó kịp thời, những lợi ích mang lại từ các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà các dự án được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn. Từ đó, ảnh hưởng đến tính hấp dẫn và mất lợi thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án. Theo các chuyên gia kinh tế, ưu đãi thuế vẫn luôn là một trong những công cụ quan trọng để thu hút các nhà đầu tư đến với Việt Nam.

Bà Lê Thị Thuỳ Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, Việt Nam có lợi thế là thuế suất ưu đãi thấp, chẳng hạn như  thuế thu nhập doanh nghiệp trước đây là 32% nhưng đã từng bước chuyển giảm dần xuống 28-25% và hiện nay là 20%. Tuy nhiên, với những dự án đầu tư nước ngoài thì ưu đãi này lớn hơn, như ưu đãi thuế suất 5%, 10% lên đến 15 năm; miễn, giảm thuế có thời hạn....

Do đó bà Lê Thị Thùy Vân cho rằng, khi áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đang được hưởng ưu đãi.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, ngoài ưu đãi về đất đai, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thì công cụ hữu hiệu thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam từ trước đến nay vẫn là ưu đãi thuế.

“Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có những bất lợi cho Việt Nam vì những nỗ lực về ưu đãi thuế bị vô hiệu hóa. Nhà đầu tư bị thiệt hại do tăng chi phí thuế trong khi Việt Nam cũng bị mất quyền đánh thuế đối với chính thu nhập được tạo ra tại Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Toàn nói.

Cơ hội khẳng định trên sân chơi quốc tế

Mặc dù áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một thách thức, nhưng các chuyên gia kinh tế khẳng định đây là cơ hội để Việt Nam tham gia và khẳng định trên sân chơi quốc tế.

Bà Lê Thị Thùy Vân nhấn mạnh: “Việt Nam không thể đứng ngoài vòng quay của toàn cầu. Đây là cơ hội để chúng ta giải quyết những khó khăn hiện nay trong nỗ lực chống chuyển giá và trốn thuế của các tập đoàn, công ty đa quốc gia”.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là cơ hội để Việt Nam nhìn lại, nghiên cứu xem cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư hiện nay còn phù hợp trong tình hình mới và liệu rằng có nên thay thế bằng lợi thế cạnh tranh mới để hỗ trợ đúng và trúng với những nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài hay không?

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng khẳng định, tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng.

Từ đó, cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong mắt các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài. Việc này cũng sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý về thuế của Việt Nam và thúc đẩy sửa đổi chính sách thu hút FDI của Việt Nam theo hướng giảm ưu đãi về thuế, tăng cường cạnh tranh bằng môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, nhân lực...

Theo Tổng cục Thuế, nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu ngân sách nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp với đầu tư nước ngoài không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, phần thuế ưu đãi của Việt Nam sẽ được các nước đầu tư thu về nước mình và nhà đầu tư nước ngoài không được hưởng lợi gì từ ưu đãi.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; trong đó, có quy định về thuế tối thiểu đạt chuẩn (15%) thì sẽ thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với những doanh nghiệp thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu có dự án đang được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam. Với số thuế thực tế thấp hơn thuế tối thiểu toàn cầu sẽ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Là địa phương có số thu ngân sách lớn của ngành, ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, Hà Nội có khoảng 7 doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu nhưng đây là những doanh nghiệp đa quốc gia có quy mô lớn và có mức độ đóng góp vào ngân sách tương đối lớn so với tỷ trọng chung.

“Qua rà soát, đánh giá dữ liệu mà chúng tôi có được thì khả năng mức độ ảnh hưởng về số nộp ngân sách nhà nước năm 2024 đối với các doanh nghiệp này khoảng 400 tỷ đồng”, ông Nguyễn Tiến Trường nói.

Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là với việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần có những chính sách, giải pháp nhằm ứng phó kịp thời để tiếp tục trở thành điểm sáng trong thu hút vốn FDI, thu hút các “đại bàng” đến làm tổ.

Ông Robert King, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ernst & Young Việt Nam khuyến nghị, bài toán về chính sách đặt ra cho Việt Nam tại thời điểm này là đạt được hai mục tiêu quan trọng về chủ động giành quyền đánh thuế và tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi.

Trên cơ sở đó, ông Robert King đề nghị Việt Nam nên áp dụng thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn. Cùng với đó, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư để tăng tính cạnh tranh; trong đó các khoản hỗ trợ phải đảm bảo sẽ không chỉ áp dụng cho những đối tượng bị ảnh hưởng của việc thực hiện thuế suất tối thiểu toàn cầu, mà cần mở rộng ra cho cả các đối tượng khác.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đề nghị các biện pháp khuyến khích đầu tư, bao gồm miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển. Hiện tại, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chủ yếu là hình thức ưu đãi trên thu nhập, tức là chỉ khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có thu nhập chịu thuế thì khi ấy mới có thể hưởng các lợi ích từ ưu đãi thuế. Trong khi đó, các hình thức ưu đãi trực tiếp về mặt chi phí chưa phổ biến theo quy định tại Việt Nam.

 

Bài 2: Tín hiệu tích cực nâng cao năng lực cạnh tranh

Thùy Dương (TTXVN)
Thuế tối thiểu toàn cầu - Bài cuối: Thuế doanh nghiệp toàn cầu hướng tới sự bình đẳng
Thuế tối thiểu toàn cầu - Bài cuối: Thuế doanh nghiệp toàn cầu hướng tới sự bình đẳng

Thế giới đang hướng tới sự công bằng về thuế doanh nghiệp thông qua một cải cách sâu rộng nhất các quy định về thuế xuyên biên giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN