Để cùng bàn về chủ đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải.
Bộ Giao thông vận tải có đánh giá thế nào về tiến độ các dự án giao thông trọng điểm đang thực hiện như Dự án cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành?
Thời gian qua dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai các nhiệm vụ để hoàn thành các dự án theo đúng tiến độ Quốc hội và Chính phủ yêu cầu. Đồng hành với Bộ Giao thông vận tải, các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án cao tốc cũng đang triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng để có thể khởi công dự án đúng mốc tiến độ yêu cầu.
Với dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 gồm 11 dự án thành phần đến nay đã đưa vào khai thác 2 dự án thành phần (Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn), dịp 30/4/2023 sẽ đưa vào khai thác tiếp 3 dự án thành phần (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây); đến cuối năm sẽ đưa vào khai thác tiếp 4 dự án thành phần (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, cầu Mỹ Thuận 2) và năm 2024 sẽ đưa vào khai thác nốt 2 đoạn cuối Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Với dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 gồm 12 dự án thành phần, sau khi được khởi công vào ngày 1/1/2023, các nhà thầu thi công hiện nay đang tổ chức triển khai thi công theo kế hoạch được phê duyệt với mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2025.
Với dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm nhiều hạng mục công trình trong đó Nhà ga hành khách là quan trọng nhất và được giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là Chủ đầu tư. Các hạng mục công trình đang được các chủ đầu tư triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ. Tuy nhiên do một số lý do nên việc lựa chọn nhà thầu thi công gói thầu nhà ga hành khách của dự án bị chậm. Hiện nay ACV đang phối hợp với các bên liên quan để tổ chức triển khai đấu thầu và dự kiến mở thầu gói thầu nhà ga hành khách vào ngày 28/4/2023.
Thời gian vừa qua, các dự án giao thông gặp nhiều khó khăn do biến động về giá nhiên, nguyên vật liệu cũng như việc cấp phép mỏ nguyên vật liệu. Bộ Giao thông vận tải có những giải pháp và kiến nghị gì để khắc phục tình trạng trên?
Xác định nguồn vật liệu là nút thắt chính trong triển khai các dự án giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã nhận diện các khó khăn liên quan đến vật liệu xây dựng và báo cáo, tham mưu Chính phủ ban hành các Nghị quyết cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù trong việc cấp phép, khai thác vật liệu; chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tăng cường công tác quản lý giá vật liệu… Tuy nhiên đến nay vẫn còn một số vướng mắc như: công suất hầu hết các mỏ đang khai thác chưa đáp ứng theo tiến độ thi công; vướng mắc về thủ tục, giá đền bù, hỗ trợ khu vực mỏ nên các địa phương chưa cấp cho nhà thầu; các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền do các địa phương đã dành phần lớn các mỏ để phục vụ cho nhu cầu đầu tư các dự án của địa phương. Một số địa phương thông báo giá vật liệu chưa phù hợp với mặt bằng giá thị trường, so với các tỉnh lân cận (quá cao hoặc quá thấp), có hiện tượng các nhà cung ứng bán vật liệu với giá cao hơn nhiều so với mức giá do địa phương công bố.
Để bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án, Bộ Giao thông vận tải đã làm việc trực tiếp với các địa phương và có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai cấp mỏ vật liệu xây dựng như: các địa phương có kế hoạch nâng công suất các mỏ đá, cát đang khai thác để bảo đảm nguồn cung theo tiến độ của các dự án; đẩy nhanh thực hiện các thủ tục để giao cho nhà thầu khai thác các mỏ đã có trong quy hoạch chưa cấp phép khai thác.
Với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà các khó khăn về nguồn cát đắp nền. Trực tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã làm việc với các tỉnh có nguồn cát đắp trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở tổng hợp nhu cầu của các dự án theo tiến độ triển khai để thực hiện phân bổ, điều phối với từng mỏ, từng địa bàn, bảo đảm đủ cung cấp cho các dự án cao tốc.
Về công tác quản lý giá, Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu Chính phủ có Công điện, văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng; yêu cầu các nhà cung ứng vật liệu, chủ mỏ có cam kết việc cung ứng vật liệu theo giá đã công bố, niêm yết; trường hợp phát hiện tình trạng cố tình thông đồng, ép giá cao hơn so với giá đã công bố phải có giải pháp mạnh như xử phạt, xem xét thu hồi giấy phép.
Đối với các dự án có kế hoạch về đích trong năm 2023 và dự án trọng điểm đang thực hiện, cùng với đó là thách thức khi Bộ được giao vốn đầu tư công kỷ lục trên 94.000 tỷ đồng. Vậy Bộ Giao thông vận tải sẽ có giải pháp gì để hoàn thành mục tiêu giải ngân số vốn này?
Trong thời gian qua, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung nguồn lực lớn, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; đặc biệt năm 2023 với vốn đầu tư giá trị trên 94.161 tỷ đồng; có thể thấy việc giải ngân kế hoạch năm 2023 là nhiệm vụ thách thức rất lớn; tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để cân đối, bố trí tối đa nguồn vốn cho các công trình, dự án quan trọng, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội,… sớm hoàn thành các công trình, dự án đưa vào khai thác, đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư.
Công tác giải ngân 3 tháng đầu năm đạt kết quả tốt; tuy nhiên, trong các tháng tới công tác giải ngân có thể khó khăn do tiềm ẩn khi triển khai đồng loạt nhiều dự án lớn như: nhu cầu về nguyên vật liệu tăng đột biến có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cấp vật liệu; công tác giải phóng mặt bằng mặc dù đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, các địa phương tích cực thực hiện, tuy nhiên đây vẫn luôn là công việc phức tạp, phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án;…
Để hoàn thành, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các chủ đầu tư/ban quản lý dự án tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm.
Với các dự án đang chuẩn bị đầu tư cần khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để sớm khởi công một số dự án trọng điểm theo kế hoạch trong năm 2023 như Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và cao tốc Hòa Liên - Túy Loan; dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống;...
Với các dự án đang triển khai thi công, chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai gắn liền với kế hoạch giải ngân để bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao. Bộ thực hiện giao ban tiến độ, kiểm tra tiến hiện trường thường xuyên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đôn đốc thi công cũng như theo dõi chặt chẽ kết quả giải ngân để có các điều chỉnh kịp thời. Gắn kết quả giải ngân với đánh giá lãnh đạo, đánh giá cán bộ quản lý; Chỉ đạo các Ban quản lý dự án bám sát hiện trường, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh việc đền bù, chi trả nhằm hai mục tiệu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cho giải phóng mặt bằng cũng như có mặt bằng để các nhà thầu tổ chức thi công; Chỉ đạo các nhà thầu tăng cường các mũi thi công, thi công 3 ca 4 kíp, tranh thủ thời tiết thuận lợi để tập trung thi công các hạng mục có giá trị lớn (công trình cầu, hầm, …), các vị trí đủ điều kiện mặt bằng không chờ đợi đủ mặt bằng mới thi công; Thực hiện cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết trong nghiệm thu, thanh toán nhằm đẩy nhanh việc giải ngân.
Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!