Thực thi Hiệp định EVFTA - Bài cuối: Yếu tố then chốt để tận dụng cơ hội

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức đi vào thực thi trong bối cảnh hết sức đặc biệt khi Việt Nam và EU phải đối mặt với những thách thức từ dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty Triệu Phú Lộc. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Tuy nhiên, EVFTA thực thi đã tổng hòa về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Nhìn nhận về Hiệp định EVFTA sau 2 năm thực thi, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) về yếu tố then chốt để tận dụng cơ hội từ hiệp định này cũng như những chuyển biến tích cực kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Xin ông cho biết việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định EVFTA của doanh nghiệp Việt Nam sau 2 năm thực thi. Đặc biệt, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng thế nào tới việc tận dụng lợi thế từ hiệp định của cả Việt Nam và EU? 

Hiệp định EVFTA chính thức đi vào thực thi trong bối cảnh hết sức đặc biệt, khi Việt Nam và EU đều phải đối mặt với thách thức mà dịch COVID-19 mang lại. 

Là một FTA chất lượng cao với những cam kết sâu, rộng, EVFTA đã góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam đứng vững trong giai đoạn dịch bùng phát. Những tác động mang tính trợ lực của EVFTA được thể hiện qua những con số tăng trưởng về kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Ngay từ năm đầu thực thi Hiệp định EVFTA (từ tháng 8 năm 2020 đến hết tháng 7 năm 2021), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 39,75 tỷ USD, tăng 6,2%; kim ngạch nhập khẩu đạt 16,51 tỷ USD, tăng hơn 24% so với trước khi có hiệp định. 

Bước vào năm thực thi thứ hai (từ tháng 8 năm 2021 đến hết tháng 5 năm 2022), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 36,8 tỷ USD, tăng 39,17% so với cùng kỳ năm trước đó; kim ngạch nhập khẩu đạt 13,94 tỷ USD, giảm 32%. 

Có thể nói, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU vẫn giữ được đà tăng trưởng nhờ một phần không nhỏ từ Hiệp định EVFTA.

Ngoài ra, trong năm đầu tiên thực thi, dù tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng nhưng hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU lại giảm.

Thế nhưng, sang năm thực thi thứ hai, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đã phục hồi và gia tăng đáng kể. Cụ thể, dệt may tăng 16,7%, gạo tăng 42,9%, hạt tiêu tăng 81,3%, thuỷ sản tăng 22,7%, máy móc thiết bị phụ tùng tăng 20,9%...

Hơn nữa, tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi theo Hiệp định EVFTA đạt 14,8% trong năm đầu nhưng sang năm thứ hai con số này đã tăng lên 20,7%.

Trong số đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) cao gồm thuỷ sản, rau quả, gạo, hàng dệt may. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã từng bước tận dụng hiệu quả các cam kết về thuế quan của Hiệp định EVFTA.

Chú thích ảnh
Sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu. Ảnh tư liệu: Minh Trí/TTXVN

Sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, theo ông đâu là những lợi thế và hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam; các mặt hàng hưởng lợi từ Hiệp định này đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu ra sao? 

Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 11 trong số các nước xuất khẩu lớn nhất vào EU. Trong các nước châu Á, Việt Nam chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Điều đó cho thấy vị thế của Việt Nam tại thị trường EU bởi đây là thị trường khó tính với những yêu cầu cao về chất lượng. 

Lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam tại EU có thể kể đến việc cạnh tranh về thuế quan mà Hiệp định EVFTA mang lại. Chẳng hạn như thuỷ sản được xoá bỏ thuế quan theo lộ trình 3-7 năm, gạo tấm được xoá bỏ thuế quan sau 5 năm, hàng dệt may, giày dép được xoá bỏ thuế quan sau 3-7 năm… Cùng đó, lợi thế về thuế quan còn được thể hiện rõ qua kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. 

Trong năm thực thi thứ hai, các ngành hàng chủ lực đều cho thấy sự tăng trưởng mạnh và khẳng định được chất lượng, chỗ đứng tại thị trường EU, nhất là vải thiều, xoài, nước mắm…

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn do yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm, quy định về nhãn hàng, thông tin cần hiển thị trên bao bì đóng gói cũng như quy định về dư lượng thuốc trừ sâu và môi trường.

Mặt khác, doanh nghiệp còn thiếu thông tin về quy định, yêu cầu trong nước của phía nhập khẩu, biện pháp đối phó với vụ kiện thương mại cũng như thiếu liên kết với doanh nghiệp cùng ngành hàng để đảm bảo đa dạng mặt hàng, sản lượng và giảm chi phí xuất khẩu… Vì vậy, nếu khắc phục được các hạn chế này, doanh nghiệp sẽ khẳng định được hơn nữa vị thế tại thị trường EU. 

Ngoài ra, thực trạng thay đổi, cập nhập mới các quy định, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, vệ sinh dịch tễ từ phía EU cũng là một thách thức không nhỏ với xuất khẩu. Do đó, doanh nghiệp cần bám sát và cập nhập thông tin thường xuyên để kịp thời đáp ứng.

Chú thích ảnh
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai, tỉnh An Giang. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Với một FTA tiêu chuẩn cao được kỳ vọng rất lớn vào việc cải cách thể chế. Ông nhìn nhận thế nào về sự thay đổi trong cải cách thể chế của Việt Nam kể từ khi Hiệp định này đi vào thực thi? 

Là một FTA thế hệ mới với các tiêu chuẩn cao, độ bao phủ sâu và rộng, điều chỉnh nhiều lĩnh vực của kinh tế, thương mại, EVFTA đòi hỏi toàn bộ hệ thống cơ quan quản lý trong nước phải có sự đầu tư và thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách theo hướng minh bạch, chặt chẽ cũng như thuận lợi trong thực tiễn triển khai. 

Bởi vậy, kể từ khi Hiệp định EVFTA được thực thi tới nay, các bộ, ngành và cơ quan liên quan của Việt Nam đã chủ động và nỗ lực thực hiện đầy đủ cam kết, nhất là nghĩa vụ đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định trong nước và thể chế. 

Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành đã sửa đổi, ban hành mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Luật, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư trong các lĩnh vực liên quan đến thuế quan, nông nghiệp, xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại, phát triển bền vững…

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật hiện hành để đảm bảo tính tương thích với cam kết của hiệp định cũng như đưa ra điều chỉnh kịp thời nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tận dụng cam kết của doanh nghiệp.

Với những nỗ lực như vậy, Việt Nam đang từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và tạo đà cho việc thực thi các FTA; trong đó, có EVFTA đạt hiệu quả cao nhất.

Chú thích ảnh
Dây chuyền chế biến xoài xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN

Để việc tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp hiểu rõ các quy định của EVFTA, theo ông các bộ ngành cần có sự phối hợp ra sao? Ông có thể đưa ra những đề xuất, kiến nghị để hiệp định đi vào cuộc sống?

Kể từ khi thực thi Hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan đã phối hợp tổ chức hơn rất nhiều hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn để phổ biến về EVFTA. 

Nội dung phổ biến tập trung vào các thông tin chung về Hiệp định, các vấn đề chính được quan tâm như cắt giảm thuế, quy tắc xuất xứ, phát triển bền vững, dịch vụ - đầu tư. 

Đặc biệt, nhiều hội nghị, hội thảo và khóa tập huấn được Bộ Công Thương đổi mới hình thức tuyên truyền trên nền tảng trực tuyến do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Ngoài ra, Cổng thông tin điện tử về FTA tại địa chỉ http://fta.moit.gov.vn (FTAP) do Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng theo nguồn hỗ trợ của Chính phủ Australi và Ngân hàng Thế giới (WB) đã được khai trương vào ngày 23/12/2020.

Với khả năng cung cấp thông tin có tương tác trực tuyến cũng như cơ chế tìm kiếm dữ liệu thông minh và giao diện thân thiện, FTAP sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin hữu ích, cam kết của Việt Nam trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Để việc tận dụng Hiệp định đạt hiệu quả hơn, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành trong cả nước tổ chức đồng bộ hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định.

Cụ thể, việc tuyên truyền tập trung vào lĩnh vực doanh nghiệp quan tâm, ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam cũng như những cam kết mang tính tiêu chuẩn cao của Hiệp định như thương mại và phát triển bền vững, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với chuyên gia đến từ bộ, ngành, thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài, những gương doanh nghiệp thành công để có những chia sẻ chuẩn xác nhất về chuyên môn và thực tế nhất từ quá trình này.

Qua đó sẽ giúp doanh nghiệp nắm vững, hiểu rõ và tận dụng hiệu quả các cam kết, cũng như chủ động trong quá trình đưa Hiệp định này vào đời sống sản xuất, kinh doanh.

Xin trân trọng cảm ơn Vụ trưởng!

Uyên Hương (TTXVN)
Thực thi Hiệp định EVFTA - Bài 4: Đưa nông sản Việt hướng đến trách nhiệm, minh bạch
Thực thi Hiệp định EVFTA - Bài 4: Đưa nông sản Việt hướng đến trách nhiệm, minh bạch

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam, nhưng nông sản Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của EU.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN