Tăng cường phối hợp thực hiện
Theo báo cáo từ Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), về thực hiện các nhóm khuyến nghị của EC, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết các quy chế phối hợp với phía Bộ Quốc phòng để tăng cường phối hợp thực thi luật trên biển; tăng cường sự hiện diện các lực lượng thực thi pháp luật tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn, tranh chấp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực để xử lý tàu cá vi phạm; hỗ trợ kịp thời tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý trái phép.
Từ 2018 đến nay, đã không còn tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển các nước quốc đảo Thái Bình Dương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang sử dụng hệ thống giám sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh movimar để kết nối dữ liệu giám sát hành trình với khoảng hơn 1.500 tàu cá.
Đồng thời, Việt Nam cũng tăng cường sự hiện diện của các lực lượng thực thi pháp luật (Kiểm ngư, Hải quân, Cảnh sát biển) tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn, tranh chấp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực để xử lý tàu cá vi phạm; hỗ trợ kịp thời tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý trái phép.
Vào tháng 5/2018, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của EC sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị của EC và đã có công thư cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo ý kiến của EC đối với các nội dung đã kiểm tra tại Việt Nam (Công thư số Ares(2018)3356871 ngày 25/6/2018).
Theo đó, phía EC tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị đề nghị Việt Nam tiếp tục khắc phục để chống khai thác IUU gồm: Khung pháp lý; Hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; Thực thi pháp luật; Truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU sau khi thành lập đã bắt tay ngay vào hoạt động; triển khai các giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều Đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện chống khai thác IUU và quản lý nghề cá bền vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU nhấn mạnh: “Ban Chỉ đạo đang hành động một cách nhanh chóng, quyết liệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc ngăn chặn, loại bỏ hoạt động khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC đối với Việt Nam”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm; trong đó yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.
Thực hiện nghiêm 4 khuyến nghị của EC
Cho đến nay, Việt Nam đã và đang tiếp tục thực hiện nghiêm các khyến nghị của EC về IUU. Đó là, kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây là điều kiện tiên quyết để gỡ “thẻ vàng” hoặc nguy cơ cao bị “thẻ đỏ” trong đợt kiểm tra của Đoàn thanh tra EC vào tháng 10/2019 tại Việt Nam.
Việt Nam đã triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển cho 31.500 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên. Hệ thống giám sát tàu cá hoạt động trên biển là nội dung quan trọng thứ hai để gỡ “thẻ vàng” hoặc nguy cơ cao bị “thẻ đỏ” trong đợt kiểm tra của Đoàn thanh tra EC vào tháng 10/2019 tại Việt Nam.
Đối với truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý tàu cá (VNFISHBASE); Thực hiện kiểm soát tàu cá ra, vào cảng; giám sát việc bốc dỡ thủy sản tại cảng; kiểm soát tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam; Thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác
Đối với việc thực thi khung pháp lý, Việt Nam đã ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã quy định mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm khai thác IUU rất cao so với trước đây.
Từ các kết quả, nỗ lực trên, Việt Nam đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian tới trong nỗ lực khắc phục thẻ vàng IUU của EC. Đó là, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Cùng đó, Việt Nam triển khai ngay việc thuê hạ tầng thông tin giám sát tàu cá và Dự án thông tin nghề cá giai đoạn II để giám sát tàu cá hoạt động trên biển theo lộ trình.
Kiện toàn tổ chức, bộ máy, bổ sung nhân sự cơ quan quản lý nghề cá từ trung ương đến địa phương; trước mắt tập trung cho các Ban quản lý cảng cá và Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá để đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển, đặc biệt tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, tranh chấp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.
Khẩn trương triển khai vận hành, khai thác, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu tàu cá (VNFISHBASE) giữa các cơ quan, đơn vị để quản lý tàu cá và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.
Bên cạnh đó, Việt Nam triển khai Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các quy định chống khai thác IUU và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; triển khai ngay các quy định để thực hiện Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của Tổ chức nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO).
Việt Nam cũng sẽ tích cực, chủ động hợp tác quốc tế; trao đổi thông tin, kinh nghiệm về chống khai thác IUU, kịp thời nắm bắt tình hình, xử lý tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền trong và ngoài nước về triển khai Luật Thủy sản và các nỗ lực hoạt động chống khai thác IUU.