Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Nhiều chuyển biến mạnh mẽ tại Cà Mau

Là 1 trong 28 tỉnh, thành trong cả nước có biển, thời gian qua tỉnh Cà Mau đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) nhằm sớm góp phần tháo gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản của Việt Nam.

Chú thích ảnh
 Cà Mau có đội tàu khai thác thủy hải sản lớn, với sản lượng bình quân trên 200.000 tấn/năm. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Cà Mau là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm khai thác thuỷ sản của cả nước, với diện tích được thăm dò và khai thác trên 71.000 km2. Với trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại, có giá trị kinh tế cao. Do đó, Cà Mau là tỉnh đi tiên phong trong thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định của Ủy ban châu Âu.

Hiện nay, Cà Mau có hơn 1.600 tàu trong diện phải tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định (dài từ 15 m trở nên). Đến nay đã có hơn 1.000 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trong những năm qua, bình quân, sản lượng khai thác hàng năm đều đạt trên 200.000 tấn. 

Song song đó, với một địa phương có 3 mặt giáp biển như tỉnh Cà Mau, nghề khai thác hải sản luôn được quan tâm, nên đã trở thành một trong những nghề kinh tế mũi nhọn của tỉnh, từ đó, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở các địa phương ven biển, không chỉ có vậy còn thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh doanh và dịch vụ hậu cần đi kèm khác, góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Theo Chi cục Thủy sản Cà Mau, để thực hiện chống khai thác IUU, việc kiểm soát, xử lý tàu cá vi phạm trên vùng biển nước ngoài cũng được siết chặt. Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản cũng được triển khai tại 2 cảng cá lớn nhất tỉnh là cảng Sông Đốc và Rạch Gốc. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 221 lớp tập huấn với hơn 11.000 lượt người dân tham dự, từ đó, từng bước giúp ngư dân nhận thức được việc đánh bắt thủy sản đúng quy định.

Đề cập về vấn đề này, ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã giao cho Chi cục Thủy sản tiến hành tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau như mở lớp tuyên truyền tại các xã thị trấn, đồn biên phòng, phát thanh trên hệ thống truyền thông, đồng thời, nhắn tin qua điện thoại, in ấn tờ rơi, pano… Ngoài ra công bố sơ đồ, bản đồ ranh giới biển, khu vực, vùng cấm khai thác cho người dân.

Với một địa phương có lượng tàu khai thác biển nhiều nhất tỉnh Cà Mau, ông Sử Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời nhấn mạnh: "Chúng tôi quan tâm đặc biệt tới các tàu đã từng vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngoài mạnh tay xử lý, cơ quan chức năng mời từng chủ tàu tàu vi phạm để tuyên truyền, buộc họ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Các chủ tàu khác cũng đã được tập huấn và cam kết không vi phạm khai thác trong vùng cấm, vùng biển nước ngoài... Tín hiệu đáng vui là hiện đa số người dân đã hiểu, đồng tình cao và cam kết thực hiện đúng quy định". 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, 2 năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ trong việc khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thông tin, tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác trái phép vùng biển nước ngoài đã giảm qua từng năm. Nếu như trong năm 2017 toàn tỉnh có 20 tàu với 110 thuyền viên khai thác trái phép bị các nước bạn bắt giữ, thì năm 2018, con số này đã giảm xuống còn 15 trường hợp tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.  Đến thời điểm hiện tại của năm 2019, con số này đã giảm mạnh và đang được kiềm chế đúng mức.

Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc từ khai thác luôn được kiểm tra chặt chẽ, tỉnh Cà Mau có 2 Cảng cá Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận loại II đủ điều kiện bốc dỡ thuỷ sản tại cảng và kiểm soát tàu cá ra vào cảng theo quy định. Đồng thời, tại các cảng này đã bố trí cán bộ văn phòng mở sổ theo dõi khi tàu cá ra vào cảng thực hiện ghi chép, cập nhật sản lượng, chủng loại thuỷ sản. Qua đó, những tháng đầu năm 2019 đã thu được 917 nhật ký, trong đó có 830 nhật ký khai thác, 87 nhật ký thu mua và chuyển tải.

Trước tình trạng một số chủ tàu cá trên địa bàn đã đối phó bằng hình thức sau mỗi chuyến hoạt động khai thác thủy sản dài ngày trên biển không cho tàu trở vào các cửa biển, cảng cá của tỉnh mà cho tàu sang các tỉnh lân cận hoặc mua bán sản phẩm thủy sản cho tàu dịch vụ ngay trên vùng biển. Việc làm trên đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý, kiểm soát hoạt động đánh bắt của tàu cá trên biển.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng kế hoạch thành lập Tổ công tác làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển để tăng cường quản lý, kiểm soát các trường hợp tàu ra khơi nhưng né tránh không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và tàu cá tuy đã hết thời hạn đăng kiểm nhưng vẫn ra khơi hoạt động đánh bắt thủy sản...

Từ đó, việc đầu tư nguồn lực phục vụ giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác đã và đang được quan tâm, được cải thiện. Hiện qua thống kê, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu được 1.023/1.661 tàu thuộc diện bắt buộc, đạt 61,6%; trong đó tàu có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên đã lắp đặt được 45 chiếc trên tổng số 53 chiếc.

Ông Châu Công Bằng cho biết thêm, theo nhận định của ngành nông nghiệp, việc Liên minh châu Âu áp dụng "thẻ vàng" là thách thức lớn đối với ngành khai thác thuỷ sản của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tổ chức lại ngành khai thác thuỷ sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với pháp luật quốc tế.

Chú thích ảnh
Các hoạt động hậu cần nghề cá ngày càng được chú trọng, phát triển. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Đánh giá về triển vọng “gỡ thẻ vàng IUU”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Trần Đình Luân cho biết, Việt Nam đã hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý bền vững ngành thuỷ sản, chống khai thác IUU qua Luật Thuỷ sản năm 2017 và các văn bản dưới luật được ban hành đầy đủ, đồng bộ. Tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác trái phép tại một số quốc đảo đã chấm dứt. Việc đầu tư nguồn lực phục vụ giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác... đã và đang được quan tâm. Ý thức tuân thủ pháp luật thuỷ sản nói chung, pháp luật chống khai thác IUU đã được cải thiện.

Huỳnh Anh (TTXVN)
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Bám sát khuyến nghị của EC
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Bám sát khuyến nghị của EC

Uỷ ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và đưa ra các khuyến nghị chính thức để Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN