Ngày 6/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 72/NQ-CP năm 2023 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đây là giải pháp quan trọng, cần thiết nhằm kích cầu trong nước, từ đó sẽ thúc đẩy tăng GDP. Cùng với đó là hàng loạt các văn bản pháp quy của Chính phủ, các bộ, ngành ban hành trong thời gian qua mang tính đột phá để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, kịp thời chuyển hướng hỗ trợ cho từng động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Để hiểu rõ hơn về hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nghị quyết giảm thuế VAT, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
Thưa ông, để kích cầu tiêu dùng, sớm phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ngày 6/5/2023, Chính phủ có nghị quyết đề xuất Quốc hội giảm thuế VAT với độ bao phủ và thời gian áp dụng như thế nào?
Ngày 6/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 72/NQ-CP năm 2023 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng theo trình tự, thủ tục rút gọn, dự kiến trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp vào tháng 5/2023.
Chính phủ trình Nghị quyết số 72/NQ-CP năm 2023 ra Quốc hội theo phương án giảm thuế VAT tất cả hàng hóa, dịch vụ đang thuộc diện chịu thuế VAT 10% sẽ được giảm xuống 8%, áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại, thuộc khu vực doanh nghiệp và cả các hộ kinh doanh.
Nghị quyết đã bao quát toàn bộ hàng hóa và dịch vụ chịu mức thuế suất VAT 10% sẽ được giảm xuống 8%. Các loại hàng hoá và dịch vụ chịu mức thuế suất 5% không thuộc đối tượng được giảm thuế theo đề nghị của Chính phủ.
Nghị quyết số 72/NQ-CP bao gồm hầu hết các loại hàng hoá và dịch vụ phục vụ cho tiêu dùng cuối cùng và sản xuất kinh doanh thuộc khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ, với độ bao phủ lớn, áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2023. Đây là giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, có tác động khá lớn tới phục hồi sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Thưa ông, phương án giảm 2% thuế VAT có phù hợp trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế không?
Hệ luỵ của đại dịch COVID-19 trong 3 năm qua đã tác động rất mạnh, đa chiều tới các nền kinh tế, làm giảm tổng cầu tiêu dùng trong nước và thế giới. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2022, chi tiêu bình quân đầu người giảm 3,3% so với năm 2020, chi tiêu ở khu vực thành thị giảm 13,6%. Quý I/2023, tổng tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế chỉ tăng 3,02%, tăng thấp nhất so với quý I cùng kỳ các năm giai đoạn 2015-2023.
Trong bối cảnh sức mua của người dân giảm sút, đồng thời cơ cấu chi tiêu thay đổi khi thu nhập từ sản xuất không được cải thiện, giá hàng hoá và dịch vụ vẫn cao so với mức thu nhập của người dân. Vì vậy phương án giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2023 đối với hàng hoá và dịch vụ chịu mức thuế suất 10% là giải pháp rất cần thiết, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay của Việt Nam.
Điều này thể hiện sự chủ động, linh hoạt của Chính phủ trong đề xuất và thực thi các giải pháp nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, giải pháp này mang nét đặc trưng của hai năm 2022 và 2023 dùng để kích cầu tiêu dùng, trong bối cảnh chi tiêu của người dân suy giảm, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đây cũng là giải pháp khơi thông đầu ra, tháo gỡ khó khăn lớn nhất hiện nay của khu vực doanh nghiệp đó là thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thưa ông, giải pháp giảm 2% thuế VAT sẽ tác động như thế nào tới các doanh nghiệp, thu ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế?
Giải pháp giảm 2% thuế VAT có tác động trực tiếp làm tăng tổng cầu tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế, đặc biệt tác động lan tỏa của giải pháp này rất lớn, đem đến sự phục hồi nhanh hơn cho doanh nghiệp trong thời điểm các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tìm kiếm thị trường đầu ra khi tổng cầu trong nước, tổng cầu thế giới suy giảm trong thời gian qua và có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.
Khi thị trường tiêu thụ được khơi thông, doanh nghiệp sẽ phục hồi, mở rộng sản xuất, đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động, giải quyết được hàng tồn kho, nợ đọng vốn.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, thực hiện phương án giảm từ 10% xuống 8% thuế VAT sẽ giảm thu ngân sách 5.800 tỷ đồng mỗi tháng và 35.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2023, bằng 2,1% trong dự toán tổng thu cân đối ngân sách và bằng 2,6% trong dự toán thu nội địa năm 2023.
Mặc dù, ngân sách nhà nước hụt thu do cắt giảm 2% thuế VAT, nhưng việc cắt giảm này sẽ thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước với quy mô 100 triệu dân, tạo cú hích cho doanh nghiệp phục hồi, lấy lại đà sản xuất trong năm 2023 và những năm tiếp theo, đây là giải pháp tạo và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động, sẽ giảm bớt áp lực từ ngân sách chi cho an sinh xã hội, hỗ trợ người dân nói chung và người lao động nói riêng.
Hiệu quả của giải pháp giảm 2% thuế VAT sẽ tác động trực tiếp, làm GDP tăng 0,16% thông qua kích cầu tiêu dùng cuối cùng; đồng thời tác động lan toả đến sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tăng thu nhập sẽ dẫn tới GDP tăng 0,64%, tổng tác động của giải pháp sẽ thúc đẩy GDP tăng 0,8%.
Tuy vậy, để giải pháp giảm 2% thuế VAT đối với hàng hoá và dịch vụ chịu mức thuế suất 10% phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thực cho nền kinh tế đòi hỏi môi trường vĩ mô ổn định, giải quyết hiệu quả vấn đề việc làm, kịp thời thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt kiểm soát tốt lạm phát. Có như vậy, người dân mới sẵn sàng chi tiêu, doanh nghiệp mới phục hồi và phát triển sản xuất.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, xung lực của các động lực tăng trưởng chưa đủ mạnh, Chính phủ đã xử lý chính sách và điều hành như thế nào trong thời gian qua?
Trong bối cảnh tổng cầu của kinh tế thế giới, đặc biệt của các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn của Việt Nam suy giảm; kinh tế nước ta có độ mở lớn; các động lực tăng trưởng trong nước gặp những rào cản, khó khăn và suy yếu.
Với sự năng động và trách nhiệm, thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã đồng loạt ban hành nhiều nghị quyết, nghị định, thông tư, công điện mang tính đột phá để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, kịp thời chuyển hướng hỗ trợ cho từng động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã thực thi chính sách tài khoá và tiền tệ rất linh hoạt, phù hợp với diễn biến và thực tế tình hình kinh tế trong nước, khu vực và thế giới. Thực hiện có trọng tâm chính sách tài khoá nhằm tháo gỡ một phần khó khăn về vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường đầu ra trầm lắng. Ngày 14/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP, cho phép giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 198.400 tỷ đồng.
Ngày 21/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp nhằm xử lý những khó khăn vướng mắc trước mắt, trong ngắn hạn cũng như trong trung và dài hạn của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế. Việc ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP phản ánh quan điểm Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Khơi thông các điểm nghẽn với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất", huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Ngân hàng Nhà nước đã thực thi chính sách tiền tệ khác biệt, mang tính đột phá so với các nước trên thế giới. Việc giảm lãi suất điều hành có hiệu lực từ ngày 15/3/2023 khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ thanh khoản, xử lý câu chuyện thiếu vốn của khu vực doanh nghiệp và phục hồi kinh tế trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Ngày 23/4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành liên tiếp hai thông tư có hiệu lực ngay: Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định việc cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; Thông tư số 03/2023/TT-NHNN nới lỏng một số điều kiện về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn hiện tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hai thông tư này cung cấp cho các ngân hàng những công cụ cần thiết để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và các khoản cho vay bất động sản.
Đặc biệt, ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg nhằm chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm tại các bộ, cơ quan, địa phương và của cán bộ, công chức; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.
Có thể thấy, Công điện số 280/CĐ-TTg phản ánh quan điểm xác định điểm nghẽn, nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh trong chỉ đạo điều hành, tất cả vì lợi ích của đất nước, của nhân dân của người đứng đầu Chính phủ.
Các chính sách, giải pháp đã được ban hành kịp thời và khá đầy đủ, theo ông Chính phủ cần làm gì nhằm nâng cao hiệu quả thực thi để kinh tế nước ta nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng bền vững?
Có thể nói, các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã khá đầy đủ. Hiện nay, quá trình thực thi đóng vai trò quan trọng, mang tính then chốt. Theo tôi, trước hết Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nội dung các nghị quyết, nghị định, thông tư; đồng thời khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện.
Để đem lại hiệu quả của các nghị quyết, chính sách và giải pháp, khắc phục tình trạng chậm và kém trong triển khai thực hiện, Chính phủ sớm có giải pháp xoá bỏ nỗi sợ trách nhiệm đang lan tràn hiện nay trong bộ máy công quyền. Cùng đó, sớm ban hành và thực thi văn bản bảo vệ, động viên, khích lệ người có tinh thần trách nhiệm, dám xả thân, hiến dâng trí tuệ, sức lực cho công việc nhưng có thể hiệu quả công việc chưa như mong muốn.
Đồng thời, Chính phủ cần có chế tài và thực hiện nghiêm để xử lý từng cấp, từng ngành, từng cá nhân chậm triển khai công việc, không hoàn thành nhiệm vụ; gắn và quy trách nhiệm người đứng đầu.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát các nhiệm vụ được giao từ đó đưa ra lộ trình thực hiện với từng mốc thời gian cụ thể; định kỳ rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước khi đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ tạo bước chuyển biến trong quá trình triển khai nhiệm vụ trong cơ quan, địa phương mình, để đưa các chính sách, giải pháp vào vận hành thực tế trong nền kinh tế.
Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, nhịp nhàng các giải pháp, tháo gỡ khó khăn và triển khai đồng thời các động lực tăng trưởng như giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của các chính sách, giải pháp đã ban hành.
Để Quốc hội sớm thông qua và đưa nghị quyết giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% vào thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2023, đồng thời đảm bảo thu đủ ngân sách, không điều chỉnh mục tiêu thu ngân sách năm 2023, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ và cơ quan liên quan của Quốc hội nhanh chóng hoàn tất dự thảo nghị quyết và các văn bản liên quan, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp vào tháng 5/2023.
Bộ Tài chính cần phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế. Thực hiện nghiêm công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế để khắc phục và bù đắp hụt thu trong ngắn hạn đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế có những giải pháp tăng cường quản lý thuế như quản lý rủi ro thuế tại các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, hoạt động chuyển giá và kinh doanh trên thương mại điện tử xuyên biên giới chống thất thu và thu đủ cho ngân sách.
Xin cám ơn ông!.