Thúc đẩy thu hút đầu tư vào các dự án điện tái tạo

Với sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng những năm qua đã kéo theo nhu cầu năng lượng tăng cao, trong khi đó, các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, nên việc phát triển, thu hút đầu tư vào năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời là yêu cầu và xu hướng tất yếu.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại diễn đàn.

Tại "Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020: Phát triển năng lượng sạch xu thế và thách thức" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 18/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,5 - 7%/năm thì từ nay tới năm 2030, chúng ta cần nguồn điện năng vô cùng lớn. 

Tổng công suất nguồn điện của Việt Nam hiện mới đạt gần 60.000 MW. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025, dự kiến nhu cầu công suất nguồn điện của hệ thống phải đạt 90.000 MW. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm 5.000 MW.

“Trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống như điện than, thủy điện... đã khai thác hết tiềm năng, điện than nhiều hạn chế nên ngoài quy hoạch đã có thì chủ trương sẽ không triển thêm nữa. Do đó, để đáp ứng nhu cầu điện năng thời gian tới, cần tập trung phát triển năng lượng sạch, năng lượng mặt trời, điện gió... để đáp ứng nhu cầu năng lượng phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Theo ông Võ Quang Lâm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), những tháng đầu năm, dù tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất nhưng nhu cầu phụ tải vẫn tăng trên 7%, thậm chí một số vùng tăng trưởng trên 11%. Tình hình thủy văn vẫn bất lợi, dù đã phải huy động tối đa điện sản xuất từ điện than, khí, năng lượng tái tạo nhưng EVN vẫn phải huy động nguồn điện dầu giá cao.

Dự kiến, năm 2020 vẫn cơ bản có thể đảm bảo nhu cầu điện, song từ năm 2021, nguy cơ thiếu điện hiện hữu do chậm trễ xây dựng các nhà máy nhiệt điện than. Trong khi đó, các nhà máy thủy điện vừa và lớn đã khai thác cơ bản tiềm năng kinh tế. Việc cung cấp than, khí cho phát triển điện đang gặp nhiều khó khăn, nhu cầu nhập nhiên liệu sơ cấp tăng đáng kể giai đoạn đến năm 2030, tiềm ẩn rủi ro trong đảm bảo nguồn cung cho phát điện...

Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực mới đây cho thấy, trong số 62 dự án nguồn điện công suất lớn từ 200 MW trở lên trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ.

Đại diện EVN kiến nghị, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ, đẩy mạnh tiết kiệm điện thì việc thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) như điện gió, điện mặt trời là cần thiết và cấp bách. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế đấu thầu các dự án NLTT để thu hút vốn đầu tư và tăng hiệu quả dự án; hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật cho các dự án NLTT, đặc biệt là các dự án điện gió, điện mặt trời.

Chú thích ảnh
Nhà máy điện mặt trời do Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi làm chủ đầu tư được đưa vào vận hành cuối tháng 5/2019. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, nhận thức rõ tầm quan trọng của năng lượng sạch, NLTT đối với nền kinh tế, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn. Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã có nhiều đột phá. Trong đó, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.

Với vai trò quản lý ngành, Bộ Công Thương đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp phát triển NLTT, nhất là điện mặt trời và điện gió. Chỉ trong một năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển NLTT. Đặc biệt, với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, Việt Nam trở thành một trong những thị trường NLTT sôi động và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Đến nay, nguồn điện mặt trời đã chiếm khoảng 10% công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam.

Để phát triển NLTT hiệu quả và thu hút mạnh nhà đầu tư, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, kinh nghiệm của các nước phát triển là cần tập trung vào các nội dung chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các chính sách ưu tiên phát triển NLTT, nghiên cứu cơ chế đấu thầu để thu hút thêm vốn đầu tư. Theo đó, với các dự án NLTT quy mô công suất lớn, sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu đảm bảo công bằng, minh bạch cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi và lưới truyền tải. 

Bên cạnh đó, theo ông Hoàng Tiến Dũng, cần thúc đẩy phát triển các hệ thống NLTT phân tán phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ như các khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ, nhà dân... lắp đặt điện mặt trời mái nhà để cung cấp cho chính nhu cầu của mình cùng kết hợp với điện mua từ lưới điện.

Cùng đó, Bộ sẽ tập trung tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền tải và tăng cường khả năng điều độ vận hành hệ thống điện, tăng cường kết nối lưới điện khu vực. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng hấp thụ nguồn điện NLTT, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả lưới điện.

Thu Trang/Báo Tin tức
Thủy điện sông Đà tối ưu hóa vận hành hồ chứa
Thủy điện sông Đà tối ưu hóa vận hành hồ chứa

Công ty Thủy điện Sơn La cho biết, hiện công ty đã phối hợp với đơn vị tư vấn để lập Đề án “Tối ưu hóa vận hành hồ chứa bậc thang thủy điện sông Đà và sông Gâm theo thời gian thực” và đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét phê duyệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN