Thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp: Hoàn thiện hạ tầng cho nông nghiệp phát triển - Bài 2

Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp phát triển cũng như có các chính sách ưu đãi doanh nghiệp cũng là những giải pháp quan trọng mà Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, thu hút sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp.

Khắc phục các điểm nghẽn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính hết quý II/2018, cả nước có khoảng hơn 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Với tỷ lệ doanh nghiệp tham gia còn khá khiêm tốn, phần lớn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ đang là "nút thắt" cần tháo gỡ để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, mặc dù trong thời gian gần đây, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được Nhà nước và các địa phương tập trung đầu tư khá lớn, nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính sách đất đai vẫn chưa đáp ứng sự kỳ vọng của doanh nghiệp; ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế; nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp còn bất hợp lý… Chỉ khi nào hạn chế và bất cập này được khắc phục mới tạo được bước đột phá trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Đại diện Công ty cổ phần Gia vị Việt Nam cho rằng, chính sách thuế hiện nay đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp là không phù hợp. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng nông sản phải đóng thuế giá trị gia tăng trước, khoản thuế này sẽ được khấu trừ vào thuế xuất nhập khẩu các kỳ sau đó. Nhưng thuế xuất nhập khẩu nông sản đã về 0% nên khoản tiền thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp đóng trước đó không lấy lại được. Nhiều doanh nghiệp bị giữ số tiền thuế giá trị gia tăng lên tới vài chục tỷ đồng, trong khi không có vốn để xoay vòng. Do đó, muốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thì Nhà nước phải điều chỉnh chính sách thuế cho hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lưu thông nguồn vốn.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho rằng, việc thực hiện chính sách khấu trừ thuế mà không hoàn thuế cho doanh nghiệp như hiện nay là không có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh nhập khẩu hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam ngày càng nhiều và được hưởng thuế suất ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do ATIGA thì điều này lại càng bất lợi.

Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex cho rằng, hoạt động xuất khẩu nông sản đang gặp rất nhiều khó khăn ở khâu vận chuyển. Một số tuyến đường xung yếu thường xuyên trong tình trạng kẹt xe, cảng biển thì quá tải... Trong khi đó, nhiều loại nông sản như: rau củ, trái cây rất dễ hư hỏng. Nếu tình trạng vận chuyển liên tục gặp vấn đề sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng nông sản cũng như chi phí, thời gian của doanh nghiệp. Do đó, giải quyết bài toán về cơ sở hạ tầng logistics, đảm bảo hàng hóa lưu thông nhanh chóng không chỉ giúp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mà còn thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển.

Một vấn đề khác được nhiều doanh nghiệp đề cập, đó là ngành công nghiệp cơ khí ở Việt Nam vẫn chưa hỗ trợ được nhiều trong sản xuất nông nghiệp, trong khi vấn đề cơ giới hóa là khâu quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động. Nếu không có công nghệ chủ động thì rất khó hạ giá thành sản phẩm.

Sản xuất nấm kim châm ứng dụng công nghệ của Nhật Bản tại nhà máy của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao, xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo ông Nguyễn Thể Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hỗ trợ nông gia Đồng bằng sông Cửu Long, đại diện Công ty TNHH Cơ khí Công Nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, ngành nông nghiệp Việt Nam hiện có hai vấn đề cần giải quyết là tăng năng suất lao động thông qua cơ giới hóa và tăng giá trị nông sản thông qua công nghệ chế biến. Ngành cơ khí nông nghiệp hoàn toàn có thể khắc phục được hạn chế này bằng trí tuệ và công nghệ cơ khí của Việt Nam. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chương trình hỗ trợ phát triển cơ khí nông nghiệp để thúc đẩy cơ giới hóa trong lĩnh vực này.

Các chuyên gia cũng cho rằng, về mặt vĩ mô, Nhà nước cần đầu tư quy hoạch lại cơ cấu ngành nông nghiệp cho hợp lý với nhu cầu thị trường để hạn chế tình trạng có sản phẩm không đủ hàng để bán, nhưng lại có nhiều sản phẩm dư thừa phải bán rẻ hoặc đổ bỏ. Về mặt thị trường, không nên phụ thuộc vào một thị trường duy nhất là Trung Quốc, phải có chiến lược ngoại giao kinh tế, đa dạng hóa thị trường để tăng giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản.

 Liệu có đột phá?

Trước tình trạng lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn khá khiêm tốn, ngày 17/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP (Nghị định 57) về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thay thế cho Nghị định 210/2013/NĐ-CP. Điều này cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện vấn đề thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Theo nhận định của các chuyên gia, so với Nghị định 210 thì Nghị định 57 được đánh giá phù hợp hơn với thực tế phát triển của ngành nông nghiệp. Nghị định 57 đã có thay đổi nhiều cơ chế hỗ trợ, từ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền sang hỗ trợ về cơ chế như: miễn tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đào tạo... Một số hỗ trợ trực tiếp chỉ còn tập trung vào một số sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cần khuyến khích phát triển. Bên cạnh đó, đối tượng được nhận ưu đãi cũng mở rộng hơn, điều kiện nhận hỗ trợ thấp hơn trước.


Vấn đề hiện nay là việc tiếp cận, thực thi chính sách này liệu có dễ dàng? Đây cũng đang là nỗi băn khoăn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Bởi thực tế cho thấy, không chỉ riêng ngành nông nghiệp, nhiều chính sách của Nhà nước ban hành vẫn chưa thực sự đến với đối tượng hưởng lợi cuối cùng với nhiều lí do khác nhau.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), nội dung của Nghị định 57 đã có nhiều cải tiến tích cực và có nhiều ưu đãi cho ngành nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức triển khai. Liệu có tái diễn tình trạng “cửa rộng”, nhưng vẫn quá nhiều “ổ khóa”, còn doanh nghiệp thì không biết đến đâu để tiếp cận với chính sách. Các thủ tục hưởng ưu đãi trong đầu tư nông nghiệp nên đơn giản, sát với thực tế vì chỉ cần thực thi một cách cứng nhắc các thủ tục, giấy tờ sẽ rất khó để doanh nghiệp tiếp cận chính sách.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng 4.0 đang tác động sâu vào sản xuất nông nghiệp, Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp… thì việc tìm giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là mở đường cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực trọng yếu này là điều hết sức cần thiết. Trước tình hình đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”. Dự kiến hội nghị này sẽ được tổ chức vào ngày 30/7/2018 tại Tp.Đà Lạt, Lâm Đồng.

Đây sẽ là cơ hội để người đứng đầu Chính phủ cùng các cơ quan, Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp nông nghiệp và các Hiệp hội ngành nghề cùng nhìn lại, đánh giá tình hình đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp về các kết quả đạt được; những hạn chế, tồn tại; nguyên nhân và đề xuất giải pháp thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian tới.

Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo của Chính phủ tại Hội nghị này sẽ mang lại sự đột phá cũng như tháo gỡ những “điểm nghẽn” còn tồn tại trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, qua đó góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.

Hứa Chung - Xuân Anh /TTXVN
Thúc đẩy thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Tháo gỡ bất cập từ khâu sản xuất - Bài 1
Thúc đẩy thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Tháo gỡ bất cập từ khâu sản xuất - Bài 1

Ngoài đất đai, vốn tín dụng… vẫn còn nhiều vấn đề đang là rào cản, khiến doanh nghiệp còn “e ngại” khi đầu tư vào lĩnh vực này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN