Cụ thể, vốn ngân sách nhà nước khối lượng thực hiện ước đạt 2.479,1 tỷ đồng, bằng 30,7% kế hoạch, giải ngân ước đạt 2.397,5 tỷ đồng, bằng 29,7% kế hoạch. Vốn trái phiếu Chính phủ khối lượng thực hiện ước đạt 823 tỷ đồng, bằng 10,8% kế hoạch, giải ngân ước đạt 1.023 tỷ đồng, bằng 13,4% kế hoạch.
So với cùng kỳ, tiến độ giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ của ngành nông nghiệp còn chậm. Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết, Bộ đã triển khai kiểm tra kỹ từng tháng, từng dự án để phát hiện các nguyên nhân.
Theo đó, có sự vào cuộc không quyết liệt, chậm trễ của các đơn vị. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ giải ngân trái phiếu Chính phủ đợt này chậm bởi trong 42 dự án đang triển khai có 35 dự án mở mới, phần lớn là những công trình thủy lợi lớn (hồ chứa, đập lớn), có kỹ thuật rất phức tạp.
Đến tháng 4, thậm chí là tháng 9/2017 mới có vốn và cơ bản đến tháng 4/2017 mới thông qua chủ trương đầu tư. Sau khi có chủ trương mới tuyển tư vấn để lập dự án đầu tư. Sau đó, Bộ phải thẩm định, phê duyệt và nhiều dự án nhóm A phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đến 31/10/2017 các dự án đầu tư cơ bản được thực hiện rồi lại phải tiếp tục đấu thầu để tuyển tư vấn, thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công. Sau khi thiết kế xong cơ bản mới đấu thầu để lựa chọn nhà thầu và khi đó mới giải ngân được vốn.
Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, tổng kết của Hiệp hội Nhà thầu cho thấy, để thiết kế các giai đoạn, với dự án nhóm C trung bình 20 tháng, nhóm A khoảng 40 tháng. Như vậy, từ tháng 4/2017 đến cuối năm 2018 nếu thiết kế xong, đấu thầu chọn nhà thầu mà giải ngân được đó là sự nỗ lực cực kỳ lớn.
"Với các dự án mở mới này, Bộ cam kết cơ bản trong quý III và IV/2018 sẽ lựa chọn được thiết kế, nhà thầu và bắt đầu thực hiện đầu tư. Đây là sự nỗ lực rất lớn và nhanh của Bộ.", Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nói.
Bên cạnh đó, kết quả giải ngân vốn ODA cũng chưa đạt kỳ vọng. Nguyên nhân do một số địa phương chưa bố trí đủ và kịp thời vốn đối ứng, triển khai dự án còn chậm... Cùng đó, với các dự án trong nước giải ngân chậm là do hầu hết các dự án vốn trong nước đều triển khai điều chỉnh thiết kế, dự án và lựa chọn nhà thầu ngay sau khi bố trí vốn kế hoạch năm. Do đó, đến đầu quý III/2018 mới trao hợp đồng xây lắp nên giải ngân chủ yếu tập trung vào quý III.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, từ nay đến cuối năm, từng dự án phải giải ngân hết kế hoạch, vốn ODA giải ngân đạt hoặc vượt 100%, trái phiếu Chính phủ có thể đạt từ 90 – 95%.
Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tất cả các bước đều phải được thực hiện nhanh, làm đến đâu "gỡ" đến đó, các dự án phải tiến hành khá đồng bộ. Đồng thời, tăng cường kiểm soát hành chính để không để xảy ra tình trạng “ngâm hồ sơ”.
Năm 2018, tổng vốn đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao là khoảng 16.800 tỷ đồng, tăng khoảng 1,5 lần so các năm trước.