Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù có ý kiến cho rằng, lãi suất tín dụng ở Việt Nam vẫn còn cao so với các nước khác trong khu vực, nhưng với cố gắng của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã liên tục giảm lãi suất cho vay, đồng thời tiếp tục xu hướng giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho nền kinh tế. Xu hướng giảm lãi suất, giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh, tăng hiệu quả cho doanh nghiệp và nền kinh tế là kết quả đáng ghi nhận mà ngành ngân hàng đã đạt được trong năm 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những điểm còn tồn tại, hạn chế cần được chấn chỉnh mà ngành ngân hàng cần tập trung thay đổi trong thời gian tới. Đó là, đẩy nhanh tốc độ xử lý công việc, bởi một số đơn vị còn chậm, thiếu quyết liệt, ngại trách nhiệm, dẫn tới kéo dài thời gian và khó xử lý dứt điểm.
Trong khi hoạt động của một số tổ chức tín dụng vẫn còn hạn chế; các chính sách, quy định quản lý, kiểm soát nội bộ và hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng còn bất cập, thì một số tổ chức tín dụng không tích cực hạ lãi suất theo chủ trương và còn vi phạm nguyên tắc cho vay, chạy theo lợi nhuận thiếu an toàn, tăng trưởng nóng, đầu tư, cho vay vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Một số tổ chức tín dụng còn chưa chấp hành nghiêm túc hoặc vận dụng trái quy định, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về trích lập dự phòng rủi ro, chưa chú trọng đến an ninh mạng....
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện tốt các đề án, các nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng như Quốc hội và Chính phủ đã đề ra để xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém, phát sinh nợ xấu… nhằm bảo đảm ổn định, an toàn cho toàn hệ thống. Thủ tướng đặt kỳ vọng, sẽ có nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam lọt vào tốp những doanh nghiệp tài chính ngân hàng uy tín và hiệu quả trong khu vực và của quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, ngành ngân hàng cần tăng cường việc ứng dụng công nghệ và các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong mọi hoạt động và nghiệp vụ ngân hàng; khuyến khích phát triển các ngân hàng thương mại chuyển đổi trở thành ngân hàng số và đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược phát triển của toàn ngành ngân hàng một cách nhanh chóng và bài bản.
Bàn về phương hướng, nhiệm vụ cho hoạt động ngân hàng năm 2020, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, chuẩn bị và tạo đà cho Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030, toàn ngành ngân hàng quán triệt phương châm hành động của Chính phủ. Đây sẽ là năm của "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả". Do đó, ngành ngân hàng sẽ triển khai tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, an toàn và phát triển lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng.
Các chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể bao gồm sẽ kiểm soát lạm phát năm 2020 bình quân dưới 4%; định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Ngành ngân hàng cũng phấn đầu năm 2020, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%, tỷ lệ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém).
Ngoài ra, ngành ngân hàng sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động có giải pháp điều hành phù hợp, phối hợp linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.
Phó Thống đốc cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành linh hoạt công cụ thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản ở mức hợp lý, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Ngành thực hiện tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Trong năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện điều hành lãi suất, tỷ giá, công cụ dự trữ bắt buộc phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.