Độc đáo lươn Phan Thanh
Cơ sở chế biến lươn Khôi My của anh Nguyễn Minh Thao là một trong những hộ chế biến lươn có quy mô lớn ở xã Long Thành, huyện Yên Thành. Hiện mỗi tháng anh xuất bán 6 - 7 tấn lươn cuộn, lươn ướp, lươn sơ chế và lươn sấy khô. Trước đây, anh Thao chỉ đi thu mua, cung cấp lươn sống, tuy nhiên khi đầu tư vào chế biến lươn và sản phẩm lươn được công nhận OCOP thì hiệu quả tăng lên cao.
"Trước đây tôi thu mua, cung cấp lươn tươi sống cho các nhà hàng, đại lý, tuy nhiên, quá trình vận chuyển, bảo quản khiến lươn bị hao hụt. Năm 2021, dịch COVID-19 khiến việc tiêu thụ khó khăn, tôi chuyển qua chế biến để cung cấp tới tận bếp ăn cho khách. Khi dịch qua đi, nhu cầu tiêu thụ của các nhà hàng, khách sạn cũng tăng, lươn chế biến được ưa chuộng vì đã được ướp sẵn gia vị, chỉ cần rã đông, nấu lên là được", anh Thao cho biết.
Những ngày này tại cơ sở chế biến lươn của anh Thao, hàng chục nhân công đang bận rộn với những mẻ lươn vàng óng. Anh Thao cho biết từ giữa tháng 11 Âm lịch đến 20/12 Âm lịch cơ sở đã bắt đầu sơ chế các sản phẩm lươn phục vụ Tết với số lượng lớn, mỗi ngày anh Thao thu mua 500 - 700 kg lươn sống để về chế biến. Để đáp ứng các đơn hàng cao điểm dịp Tết, cơ sở anh phải thuê đến hơn 30 nhân công làm việc sơ chế lươn, ướp, đóng gói bao bì, giao dịch...
Không chỉ tại cơ sở chế biến Khôi My, những ngày này, khi đến làng Phan Thanh, nhiều người sẽ cảm nhận được mùi thơm từ hành tăm thoang thoảng từ những khu bếp bay ra. Mặc dù làm việc trong thời tiết se lạnh nhưng trong mỗi người dân đều rất háo hức, mong chờ một cái Tết đầm ấm, sung túc bằng nguồn tiền thu về từ nghề chế biến lươn.
Với sự phát triển của nghề chế biến lươn, từ tháng 7/2022 làng nghề nuôi và chế biến lươn Phan Thành, xã Long Thành được công nhận làng nghề đồng thời cũng xây dựng sản phẩm OCOP được khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng đặt mua, qua đó mở ra triển vọng lớn cho nghề chế biến lươn của huyện Yên Thành.
Ông Nguyễn Văn Hiến, trưởng làng nghề chế biến lươn Phan Thanh cho biết: “Nhờ nghề chế biến lươn, đời sống người dân ở đây đã trở nên khấm khá, nhiều gia đình đã vươn lên giàu có. Các cơ sở chế biến lươn còn tạo việc làm cho hàng trăm phụ nữ, với mức thu nhập dao động từ 6 - 15 triệu đồng/tháng tùy thời điểm. Phụ phẩm từ lươn cũng được tận dụng để chăn nuôi”.
Là công nhân chế biến lươn, chị Nguyễn Thị Tâm cho biết, ngoài việc đồng áng thì công việc chế biến lươn đã mang lại thu nhập ổn định cho chị và các chị em trong xã, giao động từ 7 - 12 triệu đồng/người tùy thời điểm. Nhờ nghề này mà vợ chồng chị xây được nhà tầng và nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.
Triển vọng nghề chế biến lươn thịt
Xã Long Thành vốn có nghề thả trúm bắt lươn đồng, sau này nắm bắt nhu cầu thị trường người dân bắt đầu chuyển sang nghề chế biến lươn đem lại nguồn thu nhập cao, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Nếu nghề bắt lươn, trúm lươn ở Yên Thành có từ khoảng 30 năm trước, hoạt động chế biến lươn mới xuất hiện và sôi động từ gần 10 năm trở lại đây.
Đến nay xã Long Thành đã có hơn 50 hộ dân theo nghề chế biến lươn hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho 400 - 600 lao động tại địa phương. Trung bình mỗi năm chế biến và xuất bán ra thị trường từ 1.200 - 1.500 tấn lươn thành phẩm. Các cơ sở chế biến lươn đã mua sắm máy móc hút chân không, máy sấy, kho cấp đông để bảo quản sản phẩm tạo ra nhiều dòng sản phẩm đa dạng từ lươn sơ chế đến lươn thành phẩm đóng gói.
Chị Nguyễn Thị Liêm, chủ cơ sở chế biến lươn ở xã Long Thành cho biết, các loại sản phẩm như lươn ướp gia vị và đóng gói có lượng khách hàng tiêu thụ đông và sự phản hồi của khách rất tốt và mua về làm quà biếu cũng nhiều. Cơ sở chế biến tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói các sản phẩm và xuất khẩu ra các thị trường trong nước và nước ngoài.
Theo các chuyên gia ẩm thực, lươn đồng ngon nhất vẫn là lươn được đánh bắt ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Loại này nhỏ con nhưng săn chắc, dai thịt. Do lượng tiêu thụ tăng nhanh nên hiện các cơ sử chế biến phải nhập lươn từ nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Chế biến lươn không chỉ giúp bảo quản lươn tươi lâu hơn khi cấp đông mà còn giúp cho hương vị món lươn được ngon hơn.
Hiện tại, các cơ sở ở Phan Thanh chủ yếu xuất phát từ các hộ nông thôn, với quy trình sơ chế thủ công và thiếu đầu tư vào máy móc, nên chưa thể đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết cho sản xuất và đóng gói xuất khẩu. Nhiều hộ dân làng nghề Phan Thanh mong nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và tạo điều kiện cho thuê thêm mặt bằng để cải thiện quy trình sản xuất, khắc phục những khó khăn hiện tại.
Ông Nguyễn Văn Đề, Chủ tịch xã Long Thành cho biết, hiện xã Long Thành cũng đang hỗ trợ các cơ sở chế biến lươn trong làng nghề Phan Thanh xây dựng sản phẩm OCOP, hướng tới phát triển các dòng sản phẩm như miến lươn, mì tôm lươn, cháo lươn, súp lươn đóng gói ăn liền mang thương hiệu làng nghề trên dây chuyền công nghệ hiện đại, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng dễ sử dụng. Bên cạnh đó cũng sẽ tiếp tục tăng cường tập huấn khoa học kỹ thuật, khuyến khích người dân tập trung bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, xây dựng thêm cơ chế và chính sách để lươn Phan Thanh sớm được bán ra quốc tế bằng đường chính ngạch.
Hiện làng Phan Thanh không chỉ có lươn sơ chế cấp đông mà còn có nhiều sản phẩm như lươn cuộn, lươn ướp, lươn sấy khô, lươn phi lê… Sản phẩm lươn Phan Thanh được giới ẩm thực đánh giá là làng lươn độc đáo và lớn nhất Đông Dương, đã có mặt khắp mọi miền đất nước và xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore và một số nước châu Âu phục vụ người Việt xa quê.