Năm 2018, anh Trần Văn Thủy, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy được chính quyền địa phương cho thuê 2,6 ha diện tích mặt nước hoang hóa để cải tạo nuôi trồng thủy sản. Nhận thấy tiềm năng phát triển của giống tôm sú, tôm thẻ nên anh đã quyết định mua giống tôm này về nuôi. Do tốt nghiệp chuyên ngành nuôi trồng thuỷ sản và học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi trước, anh Thủy dễ dàng chăm sóc, nuôi dưỡng tôm trong từng giai đoạn cũng như chữa trị các bệnh thường gặp ở con nuôi, ngay vụ đầu tiên, anh Thủy đã thu về khoảng 400 triệu đồng/ha/năm.
Anh Trần Văn Thủy cho biết, nuôi tôm theo cách truyền thống, người nuôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn như môi trường không ổn định, nguồn nước tưới tiêu độ pH cao ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của con tôm, thời tiết khắc nghiệt mưa nắng thất thường dẫn đến nguy cơ dịch bệnh thường xuyên phát sinh, đặc biệt tôm chỉ nuôi được chính vụ nên giá cả và thị trường tiêu thụ cũng gặp nhiều rủi ro.
Mặc dù thu nhập từ nuôi tôm đã hơn hẳn các ngành nghề khác tại địa phương, tuy nhiên không bằng lòng với những gì đã có được, anh Thủy tiếp tục nghiên cứu cách nuôi mới, tham gia nhiều lớp tập huấn tư vấn về nuôi tôm công nghệ cao, đồng thời đi đến các trang trại nuôi tôm lớn ở các tỉnh, thành miền Trung và miền Nam để học hỏi kỹ thuật nuôi, cách làm ao nuôi khép kín, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm trái vụ để tăng thêm thu nhập.
Anh Thủy tâm sự, từ năm 2021 anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng các ao nuôi tôm trong nhà kính với diện tích khoảng 700 m2/nhà kính, đến cuối năm 2023 anh đã hoàn thành 13 nhà kính để nuôi tôm với kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Sau một thời gian triển khai, các ao nuôi đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, giúp người nuôi chủ động được nhiệt độ, kiểm soát môi trường, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường tự nhiên, hạn chế dịch bệnh và mật độ con nuôi cũng nhiều hơn.
Nuôi tôm theo công nghệ cao trong nhà kính đã giúp anh Thủy có thu nhập cao hơn hẳn. Năm 2022, anh Thủy đạt mức tổng doanh thu 3 tỷ đồng từ nuôi tôm, sau khi trừ chi phí còn thu về được 1,5 tỷ đồng. Năm 2023, sau khi hoàn thiện thêm một số khu nuôi công nghệ cao, doanh thu từ nuôi tôm đã đạt 6 tỷ đồng, anh Thủy lãi 3 tỷ đồng sau khi đã trừ đi các loại chi phí.
Là một trong những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng truyền thống lâu đời tại xã Giao Phong, những năm gần đây, ông Cao Văn Ba cũng chuyển dần sang đầu tư xây dựng nhà khung thép có mái che để nuôi tôm. Ông Cao Văn Ba cho biết, nuôi tôm khép kín giúp môi trường nước trong ao nuôi luôn duy trì ổn định vì vậy có thể nuôi tôm được trong mùa đông. Hiện ông đang có 50 ao nuôi tôm với diện tích từ 300 - 1.000 m2, ông dành một nửa số ao để nuôi tôm trái vụ, thả con giống từ tháng 6 (âm lịch) đến tháng 9 (âm lịch), tôm sẽ cho thu hoạch từ tháng 10 (âm lịch) đến tháng 3 (âm lịch).
Nhờ mô hình nuôi khép kín, nên ông Ba cũng thả tôm với mật độ dày hơn so với cách nuôi trước đây, trung bình 1.000 m2 sẽ nuôi được khoảng 6 tấn tôm, nếu so với phương pháp truyền thống chỉ nuôi được khoảng 2 - 3 tấn. Tôm ít bị bệnh, lớn nhanh khỏe đạt được kích cỡ to từ 28 - 30 con/kg. Nhờ hướng đi đúng đắn, từ năm 2022 đến nay, ông Ba thu về được khoảng 5 tỷ đồng/năm lợi nhuận từ nuôi tôm.
Tại huyện ven biển Hải Hậu, những năm gần đây nhiều hộ nuôi tôm cũng bắt đầu xây dựng các khu nuôi tôm công nghệ cao, có mái che để nuôi tôm trong vụ đông nhằm khai thác tối đa hiệu quả ao nuôi. Theo ông Nguyễn Minh Trưởng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và nuôi trồng, chế biến thủy sản An Hòa, xã Hải Đông, nhiều hộ dân trong hợp tác xã đã đầu tư xây dựng ao nuôi theo hướng khép kín, áp dụng khoa học công nghệ để chăn nuôi trái vụ. Sản lượng trung bình của một ha nuôi tôm công nghệ cao đạt từ 40 đến 50 tấn, cho doanh thu đem lại giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với nuôi tôm trong ao truyền thống.
Nam Định hiện có khoảng 150 ha nuôi tôm công nghệ cao, khép kín với gần 100 hộ tham gia, cách nuôi này có ưu thế hơn hẳn so với nuôi ngoài trời nhờ việc xử lý nguồn nước, giảm thiểu bất lợi của thời tiết, dịch bệnh. Các ao nuôi thường được tích hợp hệ thống giám sát để theo dõi các thông số của ao nuôi như nhiệt độ, lượng oxy hòa tan hay chất lượng nước giúp người nuôi có thể nắm bắt được điều kiện sống của tôm để có các biện pháp xử lý.
Ông Mai Đăng Nhân, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định cho rằng, mô hình nuôi tôm theo hướng khép kín đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt giúp người nuôi thuỷ sản tại các huyện ven biển có thu nhập cao. Tuy vậy, nuôi tôm trái vụ cũng thường gặp nhiều rủi ro nên người nuôi cần lưu ý trong quá trình thả giống cần theo dõi diễn biến thời tiết, nếu điều kiện thời tiết quá bất lợi hoặc quá xấu thì nên tạm ngưng việc thả giống; đồng thời, cần tăng cường sục khí ao nuôi và bổ sung thêm Vitamin C vào khẩu phần ăn để giúp con nuôi phát triển khoẻ mạnh.