Theo ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, tỉnh có điều kiện đất đai màu mỡ, đất đỏ bazan chiếm hơn 60% diện tích tự nhiện; điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển nhiều loại cây công nghiệp, ăn trái.
Đắk Nông hiện là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về diện tích và sản lượng cà phê với gần 140.000 ha và gần 357.000 tấn; đứng đầu cả nước về diện tích hồ tiêu với gần 34.000 ha, sản lượng gần 70.000 tấn; các loại cây ăn trái như: sầu riêng, bơ… được trồng tập trung, sản lượng lớn và có chất lượng cao, ổn định đã dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Bên cạnh đó, những năm qua Đắk Nông trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi lớn.
Tỉnh đang dần hình thành các vùng chăn nuôi tập trung tại một số vùng giàu tiềm năng thuộc các huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil. Chỉ tính riêng từ 2018 đến nay, tỉnh đã thu hút gần 3.700 tỷ đồng đầu tư phát triển chăn nuôi, nhiều nhất là chăn nuôi lợn.
Đồng thời, Đắk Nông cũng là địa phương có diện tích rừng tập trung. Tỉnh hiện có 292.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm hơn 45% diện tích tự nhiên. Tổng diện tích đất có rừng đạt hơn 250.000 ha và tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 38,5%. Ngoài ra, tỉnh có gần 300 công trình thủy lợi, tỷ lệ đáp ứng cho diện tích có nhu cầu tưới nước đạt gần 82%...
Đắk Nông là tỉnh mới tái lập được gần 20 năm và còn nhiều thách thức trong quá trình phát triển ngành nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn. Tỉnh hiện còn gần 5.500 hộ dân di cư không theo quy hoạch chưa được sắp xếp, ổn định dân cư; việc thu hút đầu tư, nhất là vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn hạn chế do các vấn đề liên quan tới cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông. Đặc biệt, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra khá phổ biến liên quan tới dân di cư không theo quy hoạch, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số… nên việc giải quyết hài hòa gặp nhiều khó khăn; vai trò kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã trong nông nghiệp còn mờ nhạt dẫn tới các vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ yếu…
Tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Nông kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển chăn nuôi theo hướng hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm. Đồng thời, có giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp để tỉnh tiếp tục phát triển diện tích rừng tự nhiên. Đắk Nông cũng kiến nghị Bộ tổng hợp, báo cáo Chính phủ điều chỉnh quy hoạch đất đai của tỉnh đến năm 2030 theo hướng giảm gần 50.000 ha đất quy hoạch lâm nghiệp; điều chỉnh các chính sách liên quan tới chế độ, chính sách đối với kiểm lâm và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định nhiều vấn đề khó khăn của ngành nông nghiệp Đắk Nông, nhất là trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng là khó khăn chung của cả nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, sửa đổi, bổ sung.
Đắk Nông là địa phương có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp phát triển nông nghiệp, vị trí địa lý thuận lợi để giao thương với thành phố Hồ Chí Minh và khu kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là tiềm năng, thế mạnh nên tỉnh cần tập trung khai thác trong bối cảnh hệ thống hạ tầng, đặc biệt là đường cao tốc sắp được triển khai đầu tư.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý Đắk Nông phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, bền vững, tận dụng các điều kiện thuận lợi về tài nguyên rừng, khí hậu, cảnh quan, các giá trị văn hóa của cộng đồng 40 dân tộc anh em để kết hợp phát triển du lịch. Quá trình phát triển phải xác định nông dân là trọng tâm và thu nhập của nông dân là "gốc rễ".
Đồng thời, nhấn mạnh đến tiềm năng phát triển hồ tiêu và các loại cây gia vị như: ớt, gừng… và dược liệu dưới tán rừng bởi Đắk Nông là địa phương có diện tích, sản lượng hồ tiêu cao nhất cả nước. Riêng đối với các dự án ổn định dân di cư không theo quy hoạch, Đắk Nông phải đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho người dân, từ ổn định nơi ở đến các vấn đề sinh kế, phong tục tập quán sinh hoạt của bà con.