Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị.
Ngày 19/2, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 192/2025/QH15 về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, làm nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo, theo đó cần thiết phải huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế.
Hội nghị trên do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì, nhằm thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp thúc đẩy huy động vốn qua hệ thống quỹ đầu tư và khu vực đầu tư nước ngoài, góp phần phát triển nền kinh tế.
Đây cũng là cơ hội kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các Tập đoàn, quỹ đầu tư trong nước, nước ngoài, qua đó, tìm kiếm cơ hội và mở rộng hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên như phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo…
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, khẳng định vai trò là điểm đến tin cậy của dòng vốn đầu tư trong nước và quốc tế. Thị trường vốn Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh chóng, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 62,5% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 31,5% GDP, với cơ cấu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chiếm tỷ trọng 20,7% tổng số nhà đầu tư tổ chức trên thị trường.
Theo đại diện Bộ Tài chính, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Song hành với sự phát triển của thị trường vốn, sự tham gia của hệ thống các quỹ đầu tư đóng vai trò ngày càng quan trọng, do đây là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có năng lực tài chính với vai trò tiên phong, dẫn dắt thị trường.
Đến nay, hệ thống quỹ đầu tư chứng khoán đã được thiết lập với 43 công ty quản lý quỹ và 123 quỹ đầu tư, nhưng sự tham gia của các tổ chức này vào thị trường vốn chưa tương xứng với tiềm năng, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đến cuối năm 2024 chỉ tương đương 1,2% giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán.
Đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, sự phát triển của khu vực này không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2024 đạt 25,4 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước, là mức cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng khích lệ, theo nhìn nhận của các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế vẫn tồn tại một số vướng mắc trong quá trình thực thi.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thu hút nguồn lực để phát triển kinh tế thông qua các quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài. Các ý kiến tham vấn, đóng góp đa chiều từ Hội nghị đã và đang làm rõ những điểm nghẽn, đề xuất các giải pháp khuyến khích các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài, các định chế tài chính, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tích cực tham gia đầu tư tại Việt Nam; giúp cơ quan quản lý chủ động có các giải pháp chính sách nhằm nâng cao tính cạnh tranh của thị trường vốn trong nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh góp phần tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Trên cơ sở kết quả Hội nghị, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện Báo cáo Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội XIV của Đảng; tham mưu xây dựng cơ chế chính sách để góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước phát triển giàu mạnh, bền vững trong Kỷ nguyên mới.
Chiều 28/3, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Xây dựng Trung tâm Tài chính tại Việt Nam. Đây là Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuẩn bị điều kiện, phương án xây dựng và hoàn thiện Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm Tài chính tại Việt Nam để trình tại Kỳ họp lần thứ 9 tới đây.
Việc xây dựng và phát triển Trung tâm Tài chính tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu, khách quan, là việc cần thiết phải làm đã được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cho ý kiến. Việc xây dựng Trung tâm Tài chính sẽ giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, huy động thêm nguồn lực mới bên cạnh thúc đẩy nguồn lực hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội.