Theo đó, Hải Dương cấp mới cho 17 dự án với số vốn đăng ký 47,8 triệu USD; trong đó, có 13 dự án ngoài khu công nghiệp với số vốn 38,7 triệu USD và 4 dự án trong khu công nghiệp với số vốn 9,1 triệu USD.
Ngoài ra, tỉnh cũng điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 19 lượt dự án với số vốn tăng thêm 242 triệu USD, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ 2017.
Đáng lưu ý, nhiều dự án tăng vốn lớn như Công ty TNHH Kefico tăng thêm 120 triệu USD; Chi nhánh Công ty TNHH khí công nghiệp Messer Hải Phòng tăng 22,8 triệu USD; dự án may Tinh Lợi tăng 49,2 triệu USD; Công ty TNHH Best Pacific tăng thêm 20 triệu USD.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, các dự án địa bàn tỉnh đa phần là các dự án có quy mô vốn nhỏ và trung bình, sử dụng công nghệ không cao, đóng góp ít vào ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, tình hình thu hút các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng tại các cụm công nghiệp trên địa bàn còn khó khăn. Hầu hết các cụm công nghiệp chưa được xây dựng hạ tầng đồng bộ và đảm bảo các điều kiện về giao thông, cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, phòng cháy chữa cháy... Chất lượng đào tạo nhân lực chưa đáp ứng được cả về trình độ lẫn cơ cấu ngành, nghề theo nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp.
Để Hải Dương trở thành điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng đó, hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh và đổi mới công tác vận động, xúc tiến đầu tư theo hướng trọng điểm, tăng cường xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn lớn, đa quốc gia.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong cơ chế phối hợp giám sát và kiểm tra hoạt động đầu tư, trách nhiệm công vụ của cán bộ công chức trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, xuất nhập khẩu, lao động, môi trường… Điều này nhằm loại bỏ phiền hà tạo điều kiện thời gian nhanh nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án.
Đồng thời, công khai minh bạch, rõ ràng về đầu mối, thời gian giải quyết hồ sơ, đầu mục hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư... công khai thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lên mạng. Từ đó, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài, qua đó tăng thêm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại địa bàn.
Không dừng lại ở đó, tỉnh còn đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp các thông tin về thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh; hỗ trợ kinh phí đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; tư vấn các vấn đề pháp lý và hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực như thuê đất, giải phóng mặt bằng, xuất nhập khẩu, hải quan...
Mới đây, trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đã yêu cầu các sở, ban, ngành cần đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả điều hành.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng sẽ duy trì hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, coi trọng hoạt động giám sát sau đối thoại để đánh giá nỗ lực của các ngành, các địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và xử lý nghiêm khắc các trường hợp cố tình nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định sẽ tiến hành luân chuyển, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chuyên môn tránh tình trạng cán bộ “ngồi nhầm chỗ” do thiếu năng lực chuyên môn và vô cảm trước khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương cần thống kê đầy đủ nguồn nhân lực của tỉnh để có phương án đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong tình hình mới.
“Thậm chí, các chủ tịch xã phải có thống kê rõ số lao động cần tìm việc làm và chất lượng như thế nào tại địa phương để các doanh nghiệp có thể tuyển chọn được nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển chia sẻ.
Hải Dương hiện có 379 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn 7.525,3 triệu USD. Tổng lũy kế vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI ước đạt 4.400 triệu USD. Thu hút trên 170.000 lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp cùng hàng ngàn lao động gián tiếp khác.