Thu hoạch dứt điểm lúa Xuân Hè để tránh nguy cơ mưa bão 

Trong vụ Xuân Hè 2024, nông dân Tiền Giang xuống giống được gần 20.000 ha, chủ yếu tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây: Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy, Tân Phước.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa bằng cơ giới trên cánh đồng huyện Cai Lậy (ảnh tư liệu).

Đến giữa tháng 6/2024, địa phương đã thu hoạch được gần 17.000 ha, năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha và sản lượng gần 105.000 tấn lúa. Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang khẩn trương thu hoạch dứt điểm diện tích còn lại, tránh nguy cơ mưa bão ảnh hưởng trà lúa, gây thiệt hại cho bà con.

Trong vụ lúa Xuân Hè 2024, nông dân Tiền Giang gặp thời tiết bất lợi ngay từ đầu vụ nhưng nhờ chủ động lịch thời vụ xuống giống, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu và phòng trừ sâu bệnh nên nhìn chung, bà con phấn khởi giành một vụ bội thu.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, canh tác 2 ha lúa tại xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, với năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha và giá lúa trong khoảng 7.000 - 7.400 đồng/kg, nông dân lãi khoảng 30 triệu đồng/ha sau vụ sản xuất.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy) Lê Văn Hưng cho biết, trong vụ Xuân Hè 2024, đơn vị liên kết với Công ty ADC sản xuất 100 ha theo tiêu chí GlobalGAP. Doanh nghiệp bao tiêu giá 7.700 đồng/kg, cao hơn thị trường vào thời điểm khoảng 500 đồng/kg, nông dân thu lãi trên 37 triệu đồng/ha, bà con rất phấn khởi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trước đó, để chủ động ứng phó thời tiết bất lợi, phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống nói chung, Tiền Giang phân bố lịch thời vụ hợp lý cho từng tiểu vùng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, tạo điều kiện phân bố hợp lý thời vụ cho các vụ sản xuất kế tiếp trong năm.

Đồng thời, khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn tốt như: Nàng Hoa 9, Đài thơm 8, OM 5451,… Đặc biệt là ưu tiên các giống lúa được thương lái hoặc doanh nghiệp liên kết sản xuất - tiêu thụ, bao tiêu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng các huyện, thị xã tăng cường tập huấn, tuyên truyền đầu vụ những biện pháp chăm sóc cây trồng trong mùa khô hạn, xâm nhập mặn tăng khả năng chống chịu trà lúa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thâm canh; cơ giới hóa các khâu làm đất, gieo sạ, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; tiết kiệm nước bơm tát phục vụ sản xuất khi hạn hán và xâm nhập mặn có diễn biến phức tạp...

Đặc biệt là áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ sản xuất và khắc phục khó khăn trong sản xuất. Các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới: chương trình “3 giảm 3 tăng”; “1 phải 5 giảm”; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... được tiếp tục triển khai và được nông dân áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhiều kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất nhằm cơ giới hóa sản xuất, nâng chất lượng hạt lúa hàng hóa, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân, Điền hình như sử dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật tại Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam.

Theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy) Lê Văn Hưng, dùng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm được 30% chi phí so với phun thuốc thông thường vừa đảm bảo chất lượng hạt lúa, độ đồng đều khi thu hoạch...

Đây cũng là một trong những đơn vị kinh tế tập thể đi đầu tỉnh Tiền Giang trong ứng dụng khoa học công nghệ vào thâm canh lúa như: trồng lúa theo tiêu chí GlobalGAP, cơ giới hóa các khâu sản xuất gắn với liên kết doanh nghiệp giải quyết đầu ra cho hạt lúa hàng hóa.

Nhờ đó, giải phóng sức lao động, tăng năng suất, sản lượng, nâng cao hiệu quả trồng lúa, thu hút nông dân vừa khẳng định được ưu thế vượt trội của mô hình hợp tác xã kiểu mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay tại địa phương.

Bài học cơ giới hóa trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ thâm canh tại Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam có sức lan tỏa rộng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến nay, tại địa phương, các khâu sản xuất như: làm đất, chăm sóc, thu hoạch, sấy lúa đã đạt 100% diện tích. Đây là tiền đề giúp nông dân tổ chức sản xuất vụ Xuân Hè thắng lợi trong tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô 2024 hết sức nghiêm trọng.

Bài và ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Thị trường nông sản: Giá lúa chủ yếu đi ngang
Thị trường nông sản: Giá lúa chủ yếu đi ngang

Giá lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tuần qua chủ yếu đi ngang. Các địa phương đang tích cực thu hoạch lúa vụ Hè Thu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN