Diễn ra tại vùng đất có truyền thống khai thác rươi lâu đời của Tứ Kỳ nên lễ hội thu hút đông người dân theo dõi. Điểm nhấn ngày hội là phần thi gặt lúa và thi nấu mâm cơm đặc sản hữu cơ giữa 3 đội đại diện 3 thôn: Thanh Kỳ, An Lao và An Định (xã An Thanh) mang đến những trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: Nông nghiệp hữu cơ là một cuộc cách mạng trong tâm thức và hành động của người làm nông nghiệp, là làm nông nghiệp tử tế, vì sức khỏe và hạnh phúc của người sản xuất và người tiêu dùng. Huyện Tứ Kỳ cần kiên trì mở hướng cho nông nghiệp hữu cơ và lan tỏa câu chuyện làm nông nghiệp vì sức khỏe con người, nông nghiệp vị nhân sinh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhắn nhủ người nông dân đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp, xác định nông nghiệp với tư duy bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe. Các doanh nghiệp nghiên cứu đổi mới mẫu mã, bao bì, quảng bá thương hiệu để lan tỏa tốt hơn những giá trị của các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết: Đến nay, tỉnh đã phát triển 8 nhóm nông sản chủ lực với trên 300 sản phẩm OCOP chất lượng cao. Nhiều sản phẩm đã được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP, OCOP, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy của Hải Dương hiện nay khoảng gần 1.000ha, tập trung tại các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành và thị xã Kinh Môn. Năm 2023, Hải Dương ước đạt 4.400 tấn lúa hữu cơ, 814 tấn rươi, 59 tấn cáy hàng năm đem lại giá trị trên 300 tỷ đồng.
Lễ hội lúa rươi hữu cơ là dịp để các doanh nghiệp nông nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông nghiệp của tỉnh có cơ hội tiếp xúc, hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trên mọi miền Tổ quốc để sản xuất và tiêu thụ nông sản, phát triển bền vững.
Theo lãnh đạo huyện Tứ Kỳ, với lợi thế được bao bọc bởi 2 con sông lớn là sông Luộc và sông Thái Bình nên Tứ Kỳ có lợi thế đặc biệt để phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Triển khai Đề án “Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, hiệu quả và bền vững, giai đoạn 2021- 2025”, đến nay, tổng diện tích sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy của huyện đạt 550ha. Sản lượng rươi đạt 450 tấn/năm, cáy 200 tấn/năm, lúa 3.000 tấn/năm; giá trị sản phẩm đạt từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8-10 lần so với thâm canh vô cơ.
Bên cạnh các giống lúa truyền thống, các vùng sản xuất đã canh tác thành công giống lúa ST25. Năm 2022, vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác rươi, cáy quy mô 137ha thuộc xã An Thanh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Toàn huyện hiện có 12 sản phẩm của vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, trong đó có gạo bãi rươi An Thanh, rươi cấp đông, cáy cấp đông…
Huyện cũng đã quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch nông nghiệp sinh thái trải nghiệm tại các xã An Thanh 405 ha, Quang Trung - Nguyên Giáp 140 ha, Hà Thanh 70 ha, Chí Minh 115 ha, Bình Lãng 20 ha và từng bước đầu tư hoàn thiện các công trình giao thông, thủy lợi.
Theo các đơn vị doanh nghiệp bao tiêu lúa rươu hữu cơ của Tứ Kỳ, Hải Dương, những năm qua, việc hợp tác với các vùng lúa rươi hữu cơ mang lại kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp Thế hệ mới đơn vị đã đồng hành cùng nông dân An Thanh sản xuất lúa rươi hữu cơ đến nay được 8 năm cho biết: Gạo từ vùng lúa rươi hữu cơ của Tứ Kỳ đã có mặt ở 6.000 điểm bán hàng trên cả nước và trên các kênh thương mại điện tử của doanh nghiệp và được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân Hải Dương trong quá trình sản xuất và sẽ đa dạng cách quảng bá sản phẩm để đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng với dịch vụ tốt nhất. Doanh nghiệp cũng kiến nghị Trung ương và địa phương có những cơ chế ưu đãi để thu hút và tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm nông nghiệp hữu cơ.
Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương thời gian tới, ngành nông nghiệp Hải Dương sẽ quan tâm chỉ đạo để mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ. Cùng với đó, Hải Dương tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn năm 2030” theo hướng đa tầng, đa giá trị. Từ hiệu quả của mô hình lúa rươi hữu cơ An Thanh, Tứ Kỳ, những năm tới, ngành nông nghiệp với vai trò của mình sẽ tham mưu cho tỉnh có thêm các cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp nghiệp hữu cơ của địa phương.
Tại chương trình đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác tiêu thụ giữa các đơn vị, doanh nghiệp với hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh và Ủy ban Nhân dân huyện Tứ Kỳ và trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm. Cũng dịp này, huyện Tứ Kỳ đã cắt băng xuất bán chuyến lúa rươi hữu cơ vụ xuân năm 2024.