Các nhà đầu tư theo dõi chỉ số chứng khoán tại Sàn giao dịch chứng khoán Pakistan (PSE) ở thành phố Karachi ngày 24/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 26/6 cho biết các thị trường tài chính đã đánh giá không đúng mức tác động của cuộc trưng cầu ý dân ở Anh khi mà đa số cử tri bỏ phiếu quyết định nước này rời "mái nhà chung châu Âu", hay còn gọi là Brexit, dẫn tới những phản ứng mạnh tức thời, tuy nhiên người đứng đầu IMF cũng cho rằng tình hình không đến mức rơi vào "hoảng loạn".
Phát biểu tại diễn đàn "Aspen Ideas Festival" tại bang Colorado, bà Lagarder nêu rõ các ngân hàng trung ương đã thực hiện tốt chức năng của mình để đảm bảo khả năng thanh khoản ở mức cao và luôn ở trong tình trạng sẵn sàng, trong khi các nhà hoạch định chính sách đã hành động để đảm bảo "mọi tình huống nằm trong tầm kiểm soát".
Mặc dù thừa nhận đã có một vài biến động xảy ra trên thị trường do ảnh hưởng của Brexit, như đồng bảng Anh ngay lập tức giảm 10%, song bà Lagarce cho rằng tình hình không đáng lo ngại khi các ngân hàng trung ương đã chuẩn bị áp dụng những biện pháp phù hợp, trong đó có bảo đảm cung cấp thanh khoản, và không có hiện tượng mất thanh khoản trên thị trường vào ngày 24/6 như đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất của thế giới vào năm 2008. Tuy nhiên, theo bà, phản ứng của các thị trường như thế nào kể từ thời điểm này chủ yếu phụ thuộc vào việc các nhà hoạch định chính sách Anh và EU sẽ đưa ra các biện pháp gì để giải quyết tình hình cũng như hạn chế những bất ổn.
Trong bài phát biểu, bà Lagarder cho biết thêm các nhà hoạch định chính sách và các thể chế đa phương cần hợp tác để giải quyết những hậu quả của Brexit, đồng thời hối thúc giới chức ở Anh và EU hợp tác để đảm bảo một tiến trình chuyển tiếp suôn sẻ sang một mối quan hệ kinh tế mới giữa Anh và EU, trong đó gồm cả việc làm rõ những thủ tục và mục tiêu rộng rãi sẽ dẫn dắt tiến trình này.
Trước đó, bà Lagarde bày tỏ tán thành mạnh mẽ những cam kết của Ngân hàng Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bảo đảm hệ thống ngân hàng đủ thanh khoản và kìm hãm bất ổn tài chính. Bà Lagarde cho biết IMF sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình và sẵn sàng hỗ trợ các thành viên khi cần.
Trong khi đó, các chuyên gia Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs của Mỹ cảnh báo việc Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, nhiều khả năng sẽ không chỉ đẩy nước này rơi vào suy thoái trong năm 2016 mà còn cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hai chuyên gia kinh tế hàng đầu Jan Hatzius và Sven Jari Stehn thuộc Goldman Sachs nêu rõ nền kinh tế Anh "sẽ bắt đầu rơi vào suy thoái nhẹ trước đầu năm 2017". Ngoài ra, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 vừa qua sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh trong 18 tháng tới giảm 2,75%, và sẽ có tác động dây chuyền đối với nền kinh tế Mỹ và châu Âu.
Trước kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về Brexit, ngân hàng Goldman ước tính GDP của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong hai năm tới sẽ ở mức trung bình từ 1,25-1,5%. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ sẽ có mức tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm 2016 là 2% - giảm 0,25% so với dự báo đưa ra trước đó.
Các chuyên gia Goldman Sachs cũng nhấn mạnh 3 nguy cơ chủ yếu đối với nền kinh tế Anh trong thời kỳ hậu Brexit, đó là: các quy định thương mại sẽ không còn giá trị, các công ty cắt giảm vốn đầu tư do tình hình bất ổn kinh tế hậu Brexit, và các điều kiện tài chính sẽ phải thắt chặt do sự biến động that thường của tỷ giá hối đoái cũng như sự rủi ro khi đầu tư vào chứng khoán và trái phiếu.