Diễn đàn có sự tham gia của 20 diễn giả và 500 lãnh đạo cao cấp đến từ các cơ quan quản lý nhà nước; các tổ chức, tập đoàn kinh tế và các quỹ đầu tư của Việt Nam và quốc tế.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế với mức độ sâu rộng chưa từng có, cụ thể là việc tham gia Cộng đồng kinh tế Asean (AEC), các hiệp định thương mại tự do (FAT), hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định EU, Hàn Quốc… đã mở ra một không gian kinh tế mới, hứa hẹn sẽ thúc đẩy quá trình dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào khu vực Asean và Việt Nam thông qua hình thức M&A. Theo đó, diễn đàn M&A Việt Nam năm 2016 được tổ chức với chủ đề “M&A trong không gian kinh tế mở” nhằm mong muốn đem lại kênh kết nối cũng như cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Chiều ngày 18/8, diễn đàn M&A Việt Nam năm 2016 đã được khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh. |
Thực tế cho thấy, cùng với các yếu tố kinh tế vĩ mô và chính sách pháp luật ngày càng thuận lợi, hoạt động M&A tại Việt Nam được dự báo sẽ bùng nổ vào giai đoạn 2016 – 2020. Cụ thể năm 2015, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã đạt mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD và trong 7 tháng đầu năm 2016, ước tính con số này đã lên tới gần 3,5 tỷ USD. Viện Mua lại, sát nhập và liên kết ( IMAA, Thụy Sỹ) dự báo năm 2016 quy mô M&A tại Việt Nam có thể đạt mức 600 thương vụ với tổng giá trị 6 tỷ USD, phá kỷ lục năm 2015.
Đáng chú ý, bên cạnh sự bùng nổ về quy mô, năm 2015 và nửa đầu năm 2016 đã xuất hiện những thương vụ M&A có giá trị lên tới hàng tỷ USD và có tác động quan trọng đến nhiều ngành, lĩnh vực và nền kinh tế nói chung. Thị trường M&A cũng đang đón nhận làn sóng đầu tư từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ… đổ vào Việt Nam nhằm đón đầu, tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Ông Chris Freund, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Quản lý quỹ Mekong Capital, cho rằng xu hướng M&A tại Việt Nam từ nay đến năm 2017 sẽ còn tiếp tục sôi động và trải đều ở các lĩnh vực như bất động sản (BĐS), nông nghiệp, sản phẩm tiêu dùng, bán lẻ, dược phẩm. Điều này cho thấy, không gian kinh tế mới đang mở ra thêm nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cạnh tranh thu hút các dòng vốn ngoại cũng như cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước cũng có cơ hội lớn để thực hiện các mục tiêu thoái vốn, cổ phần hóa.
Theo đó, hoạt động M&A đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế mà với cả hoạt động thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh. Vì vậy, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức diễn đàn M&A 2016, cho biết diễn đàn M&A sẽ là điểm mở để các diễn giả, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài cùng nhau trao đổi, đánh giá những mặt tích cực và hạn chế của M&A tại Việt Nam trong năm qua; những cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh hội nhập sâu rộng; chia sẻ kinh nghiệm và kết nối cơ hội hợp tác – đầu tư trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường M&A phát triển lành mạnh.