Hãng tin Bloomberg cảnh báo sau gần 20 năm tăng trưởng ổn định, thị trường bất động sản của Thuỵ Điển đang trải qua sự thay đổi mạnh mẽ. Theo báo cáo, giá nhà đất ở nước này đã giảm 15% so với mức đỉnh trong năm 2022 do lạm phát và chi phí vay gia tăng.
Trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt chưa có dấu hiệu lắng dịu, người tiêu dùng Thụy Điển đã phải cắt giảm mạnh chi tiêu. Song vô tình, điều này như “đổ thêm dầu vào ngọn lửa” vào sự suy giảm của lĩnh vực bất động sản, khi các nhà kinh tế đang kỳ vọng mức giảm giá nhà ở sẽ vượt mức dự báo giảm 20%.
Bà Maria Wallin Fredholm, nhà kinh tế tại Swedbank, ngân hàng lớn nhất Thuỵ Điển, bình luận thị trường nhà ở của nước này dễ bị tổn thương nhất trong số các thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Báo cáo chỉ ra rằng khoảng 64% người dân Thụy Điển sở hữu nhà riêng, nhưng hầu hết mọi người không có khoản thế chấp dài hạn với lãi suất cố định. Do đó, họ phải đối mặt với lãi suất cao, hiện đang ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ sau loạt đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương nước này. Giới chuyên gia ngày càng lo ngại chi tiêu của người tiêu dùng sẽ bị đình trệ.
Ngân hàng Swedbank cũng mô tả kinh tế hộ gia đình ở Thụy Điển đang trong giai đoạn tồi tệ nhất kể từ những năm 1990. Nhà kinh tế trưởng Mattias Persson thậm chí đã dự đoán nguy cơ “ngừng tiêu thụ hoàn toàn” trong một mùa đông khó khăn và lạnh giá.
Bà Annika Winsth, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Nordea, cảnh báo: “Doanh thu bán lẻ và khoản cho vay đang giảm mạnh. Không có tín hiệu tích cực nào từ nền kinh tế trong nước, đặc biệt không phải từ các hộ gia đình hay thị trường nhà ở”.
Trong khi đó, tỉ lệ nợ hộ gia đình trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thụy Điển hiện ở mức 90%, có nghĩa là chi phí đi vay cao hơn sẽ có tác động nghiêm trọng đến tiêu dùng.
Rủi ro nghiêm trọng hơn có thể phụ thuộc vào thị trường bất động sản thương mại. Theo báo cáo của Bloomberg, với việc cho vay thương mại chiếm tới 36% tổng số khoản vay ngoài sổ sách tại các tổ chức tài chính lớn của Thụy Điển, giới chuyên gia cảnh báo suy thoái nghiêm trọng trong lĩnh vực này có thể gây áp lực đáng kể lên các ngân hàng của đất nước.
Các nhà kinh tế nhấn mạnh nếu lạm phát vẫn tiếp diễn, tình hình thị trường bất động sản có thể xấu hơn nữa. Khi đó, các nhà phân tích tin rằng Thụy Điển có nguy cơ rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong số 27 quốc gia thuộc EU.
Trước đó, dự báo của Chính phủ Thuỵ Điển cho biết tình hình kinh tế của quốc gia Bắc Âu này hiện rất ảm đạm và có khả năng sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới. Theo đó, Thụy Điển sẽ bước vào cuộc suy thoái nghiêm trọng, với GDP giảm 0,4% trong năm 2023, cùng với sự trì trệ của nền kinh tế. Ứớc tính, lạm phát trong năm tới có thể đạt 5,9%. Tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ tăng vọt từ mức 6,5% hiện tại.
Ngoài tình trạng bất động sản suy giảm, nền kinh tế Thụy Điển còn gặp khó khăn do hậu quả của các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt lên Nga. Tỷ lệ lạm phát tổng thể ở Thụy Điển đã đạt mức kỷ lục 9,7% vào tháng 9, mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.
Bà Elisabeth Svantesson, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển, nhận định: “Nền kinh tế của đất nước đang đối mặt với mùa đông khá khắc nghiệt. Chúng tôi chưa biết nó sẽ lạnh lẽo và khắc nghiệt đến mức nào”.
Bà đã thúc giục chính phủ thiết lập chính sách tài khóa cân bằng hiệu quả giúp giảm lạm phát cao và giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế nói chung. Bà nhấn mạnh thoát khỏi lạm phát không phải là nhiệm vụ chính của chính sách tài khóa, nhưng có thể kiểm soát tình trạng lạm phát đang hiện hữu.
Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển cũng cảnh báo người dân sẽ phải tiếp tục trải qua thời kỳ kinh tế khó khăn trong năm tới. Đồng thời, bà nói rằng kích cầu không phải là lựa chọn trong hoàn cảnh hiện nay, vì chắc chắn điều đó sẽ khiến lạm phát gia tăng.
Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát vào tháng 10 của Công ty nghiên cứu Sifo, hơn một nửa người Thụy Điển tham gia khảo sát (chiếm 51%) trả lời rằng họ nhận thấy tương lai đen tối hoặc rất đen tối. Cứ 10 người được hỏi, có tới 7 người lo ngại nhiều công ty ở Thụy Điển sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng. Ngoài ra, 6 trong 10 người lo lắng tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội sẽ tăng lên và 2/3 lo ngại về chi phí chi tiêu gia đình sẽ tăng cao.