Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, đến ngày 30/11, thị trường bảo hiểm có 82 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 913.336 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 762.580 tỷ đồng, tăng 12,78% so với cùng kỳ năm trước; Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 190.227 tỷ đồng, tăng 7,09% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.596 tỷ đồng, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2%, thị trường bảo hiểm nhân thọ giảm khoảng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước khoảng 86.467 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đây là những con số cho thấy, sự tăng trưởng cũng như sự đóng góp của thị trường bảo hiểm đối với sự phát triển của kinh tế đất nước và an sinh xã hội. Thị trường bảo hiểm ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; cũng như một phần đem lại sự bảo vệ về tài chính, sức khỏe cho nhân dân.
Đồng tình với người đứng đầu ngành tài chính, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế, thời gian qua, bảo hiểm đã và đang chứng tỏ vai trò góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội Thị trường bảo hiểm là công cụ hữu ích bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư. Đến nay, bảo hiểm đã và đang bảo vệ cho hầu hết tất cả các loại hình tài sản của mọi thành phần và ngành nghề kinh tế với đa dạng loại hình như: bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản...
Bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng được đánh giá là còn nhiều dư địa để phát triển. Cụ thể, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức hơn 3%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN là 3,35%, châu Á 5,37% và mức trung bình thế giới (6,3%). Đến nay, Việt Nam có khoảng 12% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Theo ước tính, doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP tại Việt Nam đến năm 2025 đạt khoảng 3,5%.
Tuy nhiên, như Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã thẳng thắn thừa nhận, trong quá trình thị trường bảo hiểm tăng trưởng nhanh về “lượng”, thì “chất” chưa có sự phát triển tương xứng”.
Năm 2023, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã chứng kiến cơn sóng lớn nhấn chìm nhiều thành quả đã gây dựng từ gần 1/4 thế kỷ qua, gây nên hiệu ứng domini đổ vỡ niềm tin lớn với khách hàng.
Theo đó, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Cụ thể, một số đại lý bảo hiểm hoạt động với chất lượng chưa cao, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chú trọng vào đào tạo đại lý theo hướng làm sao để bán được sản phẩm, có nghĩa là đào tạo thiên lệch về kỹ năng bán hàng, hơn là chú trọng nền kiến thức kinh tế nền, kiến thức chuyên môn bảo hiểm, cũng như đạo đức nghề nghiệp.
Mặt khác, một số doanh nghiệp bảo hiểm chú trọng nhiều hơn tới doanh thu, lợi nhuận đại lý thu về, mà lơ là việc kiểm soát, giám sát hoạt động, chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng của đại lý. Đại lý bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn, chưa tư vấn đầy đủ, khách quan, nhất là các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Nếu như trước đây, thị trường chỉ có kênh đại lý truyền thống, thì thời gian qua đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức mà điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng (Bancassurance). Bancassurance giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn trong thời gian gần đây.
Chính các thành viên thị trường cũng phải nhấn mạnh thị trường bảo hiểm đang trong giai đoạn khó khăn, một phần xuất phát từ niềm tin vào bảo hiểm sụt giảm, nên điều quan trọng nhất lúc này là lấy lại niềm tin từ khách hàng thông qua nhiều giải pháp đồng bộ.
Theo PGS-TS. Võ Đình Trí, Trường IPAG Business School Paris nhìn nhận, thị trường bảo hiểm khó có thể phục hồi nhanh do tình hình kinh tế chung chậm lại, đặc biệt sau “cú sốc” niềm tin vừa qua. Do đó, điều cần ưu tiên nhất lúc này với các doanh nghiệp là duy trì hợp đồng bảo hiểm cũ.
Nhận thức rõ điều đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, đây là vấn đề thị trường phải thực sự thay đổi một cách mạnh mẽ. Các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải nâng cao nhận thức, rà soát lại, có giải pháp để nâng cao chất lượng đại lý. “Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính đã chấn chỉnh và xử lý thật nghiêm các doanh nghiệp bảo hiểm để xảy ra sai phạm", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói
Nhờ đó, theo Bộ Tài chính từ đầu tháng 8/2023, thị trường bảo hiểm nhân thọ bắt đầu ghi nhận sự chuyển biến theo chiều hướng tốt lên. Bộ Tài chính cũng hi vọng với các giải pháp mà các cơ quan quản lý nhà nước đã và đang tích cực triển khai, sự nỗ lực thay đổi của doanh nghiệp bảo hiểm, niềm tin của khách hàng sẽ được củng cố, thị trường bảo hiểm sẽ phát triển chất lượng hơn.
Trong thời gian tiếp theo, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và tăng cường sự minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hướng tới quản lý, giám sát bảo hiểm dựa trên cơ sở quản trị rủi ro; đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm, phương thức kinh doanh mới, khuyến khích nghiên cứu phát triển các sản phẩm bảo hiểm dành cho người già, các sản phẩm bảo hiểm tích hợp các dịch vụ hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người tham gia bảo hiểm.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp; các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thảm họa, thiên tai, rủi ro mới phát sinh thông qua cơ chế quỹ rủi ro bảo hiểm; bảo hiểm xanh; sản phẩm bảo hiểm về an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, bà Elena QueK - trưởng phòng phát triển kinh doanh thị trường Đông Nam Á, thuộc Công ty tái bảo hiểm toàn cầu RGA - chia sẻ để thị trường phát triển bền vững, doanh nghiệp cần cung cấp thêm sản phẩm đặc biệt, mở rộng cửa hơn trong quy trình thẩm định bán bảo hiểm cho khách hàng bị bệnh tiểu đường, mỡ trong máu, huyết áp cao... Ngoài ra, người khuyết tật, người gặp vấn đề về tâm thần… cũng cần được quan tâm hơn.