Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận nhấn mạnh: Thị trường bảo hiểm ngày càng khẳng định vai trò trong việc góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư, thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế cũng như thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của quốc gia.
Hiện thị trường bảo hiểm có 85 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gồm: 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 32 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Năm 2024, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 986.586 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2023. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 838.319 tỷ đồng, tăng 12,58%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 205.288 tỷ đồng, tăng 6,63%.
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết: Sau một số tháng tăng trưởng âm, đến cuối tháng 11, tổng doanh thu phí bảo hiểm đã tăng trưởng dương trở lại, ước đạt 204.109 tỷ đồng, tăng 0,22%. Trong khi đó, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước khoảng 86.368 tỷ đồng, tăng 17,13% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là chỉ tiêu tăng mạnh nhất, phần nào cho thấy sự nỗ lực của doanh nghiệp bảo hiểm, cũng như vai trò của ngành bảo hiểm đối với nền kinh tế.
Mặc dù vậy, tại Việt Nam tỷ lệ tham gia bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 2% GDP, trong khi khu vực châu Á con số này đạt mức trung bình 4% và trên toàn thế giới là 9%. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), điều này cho thấy, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ tham gia bảo hiểm thấp và việc được bảo hiểm bảo vệ vẫn là "khoảng trống" rất lớn. Bên cạnh đó, năm 2024, ngành bảo hiểm vẫn đang trên con đường lấy lại niềm tin của khách hàng sau một năm khủng hoảng với hàng loạt vụ lùm xùm giữa khách hàng và công ty bảo hiểm cũng như ngân hàng trong hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).
Ông Ngô Việt Trung cho biết: Thời gian qua các doanh nghiệp bảo hiểm đã nỗ lực tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện sản phẩm để phục vụ khách hàng tốt hơn. Trong xu thế của thời đại, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tăng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, kinh doanh từ bán hàng đến xử lý bồi thường, mở rộng mạng lưới phân phối và cung cấp các giải pháp bảo hiểm toàn diện hơn.
Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện pháp lý, hỗ trợ thị trường hoạt động chất lượng, minh bạch và bền vững hơn. Đồng thời, quản lý, giám sát cũng được tăng cường, góp phần củng cố kỷ cương, kỷ luật thị trường, bao gồm cả việc yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động, tư vấn, cung cấp dịch vụ của các đại lý bảo hiểm, như đào tạo, sát hạch, cấp chứng chỉ đại lý…
Ngoài ra, năm 2024 ngành bảo hiểm đã phải đối mặt với một thách thức khá lớn là thiệt hại nặng nề sau bão số 3, lũ, lụt nghiêm trọng trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong lịch sử, dù ngành bảo hiểm đã xử lý bồi thường, chi trả bảo hiểm cho khách hàng trong nhiều sự cố thiên tai nguy hiểm, xảy ra trên quy mô lớn, nhưng chưa có trận bão lũ nào phải chi trả quyền lợi bảo hiểm lớn như siêu bão Yagi (bão số 3).
Thống kê thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra, tính đến ngày 22/11/2024, theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), số tiền ước phải chi trả bồi thường lên tới 11.461 tỷ đồng bao gồm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ; trong đó, có hơn 10.000 tỷ đồng thuộc lĩnh vực bảo hiểm tài sản và bảo hiểm các công trình trong quá trình xây dựng…
Thời gian tới, để thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, bền vững, Thứ trưởng Lê Tấn Cận đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm cần tập trung rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Điều này nhằm bao quát các rủi ro thị trường, thể hiện tính bền vững và cam kết lâu dài, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu đánh giá khả năng đáp ứng của doanh nghiệp đối với các yêu cầu về vốn khi chuyển sang áp dụng mô hình vốn trên cơ sở rủi ro.
Bên cạnh đó, tập trung đầu tư nguồn lực để áp dụng công nghệ mới tối ưu hóa quy trình hoạt động, cải thiện dịch vụ khách hàng và nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro doanh nghiệp rà soát lại các sản phẩm bảo hiểm đang triển khai; chấn chỉnh công tác tư vấn và chăm sóc khách hàng, giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm. Ngoài ra, chủ động phát triển sản phẩm bảo hiểm theo hướng đa dạng, linh hoạt phù hợp với khả năng của khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.
Ngành bảo hiểm cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm và tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.