Thị phần xuất khẩu cà phê vào thị trường Trung Quốc gia tăng

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù trà vẫn là thức uống truyền thống của Trung Quốc nhưng thời gian gần đây nhu cầu tiêu thụ cà phê của Trung Quốc tiếp tục tăng, nhất là ở các khu vực thành thị và những người trẻ tuổi.

Chú thích ảnh
Cà phê nhân được sản xuất theo chứng chỉ FLO và theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Công Bằng, xã Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Theo đó, phân khúc cà phê hòa tan chiếm một lượng thị phần đáng kể trên thị trường nhờ vào sự tiện lợi trong sử dụng. Chi tiêu hộ gia đình tăng, lối sống thay đổi và sự chấp nhận các xu hướng văn hóa phương Tây của người tiêu dùng trung lưu đã góp phần làm tăng nhu cầu về cà phê hòa tan trên cả nước.

Thống kê từ Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCAB), tiêu thụ cà phê của nước này tăng với tốc độ hàng năm là 15% và tại link https://www.mordorintelligence.com cũng nêu rõ thị trường cà phê Trung Quốc dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 10,15% trong giai đoạn 2021 – 2026. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn không làm giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê bởi người dân chuyển sang tiêu thụ tại nhà nhiều hơn.

Riêng từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021, lượng cà phê tiêu thụ của Trung Quốc đạt khoảng 3,7 triệu bao cà phê loại 60 kg. Trong khi đó, sản lượng cà phê của Trung Quốc đạt khoảng 1,8 triệu bao. Vì vậy, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.

Số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, kim ngạch nhập khẩu cà phê (HS 0901) của nước này tháng 9/2021 đạt 53,84 triệu USD, tăng 62,4% so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Trung Quốc đạt 387,76 triệu USD, tăng 75,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn cung cà phê cho Trung Quốc đa dạng với khoảng 80 thị trường cung cấp; trong đó, các thị trường cung cấp cà phê chính cho Trung Quốc gồm: Guatemala, Ethiopia, Việt Nam, Malaysia, Brazil…

Đáng lưu ý, kim ngạch nhập khẩu cà phê của nước này từ Guatemala và Ethiopia trong 9 tháng năm 2021 đạt 49,8 triệu USD, tăng lần lượt 170,3% và 203,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Thị phần cà phê của Guatemala và Ethiopia trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng lần lượt từ 8,33% và 7,09% trong 9 tháng năm 2020 lên 12,84% và 12,28% trong 9 tháng năm 2021.

Đặc biệt, 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 46,28 triệu USD, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc giảm từ 12,34% trong 9 tháng năm 2020 xuống 11,94% trong 9 tháng năm 2021.

Thị trường cà phê Trung Quốc có tính cạnh tranh cao. Do đó, để gia tăng thị phần tại Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị ngành cà phê Việt Nam cần tích cực đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tập trung vào các nền tảng truyền thông xã hội và các kênh phân phối trực tuyến để quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Uyên Hương (TTXVN)
Để thương hiệu cà phê xứ lạnh Kon Tum vươn xa
Để thương hiệu cà phê xứ lạnh Kon Tum vươn xa

Được triển khai trồng tại ba huyện Đăk Glei, Kon Plông và Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum từ năm 2013 theo Đề án cà phê xứ lạnh (cà phê dòng Arabica), đến nay các địa phương này đã trồng được gần 4.500 ha trong tổng số gần 27.000 ha cà phê toàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN