Theo ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại công trường xây dựng cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 (đoạn qua xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh), 19 giờ tối, công trường vẫn hoạt động nhộn nhịp. Hàng chục công nhân hăng say làm việc và nhiều thiết bị, máy móc vẫn sáng đèn hoạt động. Tất cả nhằm đẩy nhanh việc ủi cát, lu nền để hoàn thiện nền cát, từ đó mới có thể thực hiện những công việc tiếp sau. Cách công trường khoảng 5 km, nhiều công nhân vẫn túc trực làm việc tại điểm tiếp nhận các ghe chở cát đến và thực hiện bơm cát từ ghe lên công trường xây dựng cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1.
Đang làm việc ca đêm cùng đồng nghiệp trên công trường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1, anh Trần Văn Toàn - cán bộ phụ trách kỹ thuật của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C (nhà thầu thi công) cho biết, vì áp lực tiến độ dự án nên đơn vị tổ chức tăng ca làm việc đến 22 giờ, cũng có khi muộn hơn. So với làm việc ban ngày thì thi công ban đêm có phần vất vả hơn. Được tham gia xây dựng cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 - một trong những công trình trọng điểm quốc gia, anh Toàn cảm thấy vui, tự hào và cùng các công nhân khác nỗ lực hoàn thành phần việc được giao, mong muốn dự án sớm hoàn thành theo mục tiêu đề ra.
Anh Trần Đức Mạnh, công nhân lái máy lu phục vụ thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 chia sẻ, từ quê hương Khánh Hòa, anh vào làm việc tại công trình đường cao tốc ở Đồng Tháp hơn 4 tháng qua. Mỗi máy lu có 2 người điều khiển, luân phiên làm việc 2 ca/ngày, ca 1 từ 7 - 17 giờ và ca 2 từ 17 - 22 giờ. Tuy được trang bị thiết bị chiếu sáng nhưng lái máy lu buổi tối, tầm nhìn hạn chế hơn ban ngày nên anh Mạnh phải cẩn thận, chú ý quan sát trong quá trình làm việc ban đêm để đảm bảo an toàn.
Nhu cầu vật liệu cát san lấp của Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 khoảng 2,3 triệu m3; trong đó, nhu cầu năm 2024 là 1,7 triệu m3. Thời gian qua, UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan đặt ra yêu cầu cao về tiến độ xem xét hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian đưa mỏ cát vào khai thác theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội; tiến hành những thủ tục khai thác mỏ cát mới và nâng công suất mỏ cũ. Với nỗ lực đó, đến nay, 4/4 mỏ cát mà UBND tỉnh giới thiệu cho nhà thầu đã đưa vào khai thác để cung ứng cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1.
Theo ông Nguyễn Quang Tuân - Chỉ huy trưởng công trình - Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C, với 4 mỏ cát đang tiến hành khai thác, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 được cấp khoảng 11.700 m3/ngày. Để “hấp thụ” được toàn bộ khối lượng cát đó thì nhà thầu phải phải bổ sung thêm thiết bị, máy móc trên công trường; tổ chức cho công nhân tăng thời gian làm việc. Bình thường công nhân làm việc từ đầu từ sáng đến cuối giờ chiều nhưng hiện nay phải tăng ca làm việc đến 22 giờ tối.
Ông Nguyễn Quang Tuân cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo an toàn trên công trường và sức khỏe của công nhân khi làm thêm việc vào ban đêm, mỗi thiết bị (máy ủi, máy lu…) được nhà thầu bố trí 2 công nhân phụ trách, sẽ thay ca nhau làm việc xuyên suốt. Với lượng cát được cung cấp mỗi ngày như hiện nay, nhà thầu phải tổ chức tăng ca làm việc liên tục đến cuối năm nay để có thể xử lý hết lượng cát này. Nhà thầu cố gắng thi công tăng tốc, phấn đấu đến cuối năm 2024, hoàn thành việc gia tải nền đường.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, để thi công Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1, nhà thầu đã huy động trên 450 nhân sự, hơn 180 thiết bị, máy móc để tổ chức thi công với 44 mũi thi công. Đến nay, về đường công vụ, đã đào đất trên 19,5 km, đắp cát hơn 18 km. Tuyến chính đã đào đất được 14 km, đắp cát gần 12 km. Đối với phần dầm sàn liên tục, hoàn thành 68/68 móng cọc bê tông cốt thép dự ứng lực, hoàn thành 65/68 trụ. Nhà thầu tổ chức thi công tại 19/19 cầu, đã lắp dầm 38/77 nhịp. Tổng giá trị thực hiện các hạng mục của dự án đạt hơn 1.068 tỷ đồng, đạt trên 42% giá trị hợp đồng xây dựng.
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 dài 16 km, tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản; dự kiến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác. Quy mô giai đoạn 1, mặt cắt ngang 4 làn xe hạn chế với bề rộng mặt đường 16 m, vận tốc khai thác 80 km/h. Quy mô giai đoạn hoàn thiện, mặt cắt ngang 4 làn xe hoàn chỉnh với bề rộng mặt đường hơn 23 m, vận tốc khai thác 100 km/h.
Xác định cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 là một trong những công trình trọng điểm quốc gia, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và các sở, ngành liên quan nỗ lực giải quyết những khó khăn, nhất là về giải phóng mặt bằng và cát san lấp. Những vướng mắc đã từng bước được tháo gỡ, nhà thầu đang cố gắng “vượt nắng thắng mưa”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” để phấn đấu hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng đúng tiến độ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.