Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu điểm đầu tại Km34+200, kết nối với điểm cuối Dự án thành phần 2 tại vị trí giáp ranh giữa địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai thuộc địa phận xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại Km53+700 giao với Quốc lộ 56 - tuyến tránh Bà Rịa thuộc địa phận thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng chiều dài tuyến khoảng 19,5km.
Báo cáo từ Ban Quản lý Dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải chủ đầu tư dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cho biết, tính đến nay, còn 33 hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng, tiến độ giải phóng mặt bằng đạt 96,39%. Ba nhà thầu là Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty cổ phần 479 Hòa Bình và Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 703 có mặt bằng sạch đã tiến hành và hoàn thành khâu chuẩn bị và tổ chức thi công như phát quang, dọn dẹp mặt bằng và vét hữu cơ gần như toàn bộ toàn tuyến.
Tại đầu tuyến dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau gần 6 tháng khởi công dự án, các loại xe, máy móc hoạt động tấp nập, xe chở đất vào đổ, xe chở cần cẩu gạt hết đất trên các xe tải lớn, còn xe máy ủi có nhiệm vụ san phẳng số đất trên ra nền đường. Hiện nay, tại khu vực đầu tuyến dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhà thầu thi công đã đắp được nền cao hơn 3 m.
Ngay sau khi thời tiết tại khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu bước vào mùa khô, việc vận chuyển đất san lấp từ mỏ Xuân Sơn, huyện Châu Đức về khu vực thi công dự án thành phần 3 cũng dễ dàng hơn. Là đơn vị trúng thầu dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với chiều dài 14,2 km, hơn 1 tháng nay Tập đoàn Sơn Hải đã bắt đầu chở đất san lấp từ mỏ Xuân Sơn, huyện Châu Đức về đắp nền đường với chiều dài 1 km.
Ông Dương Hồng Quân, Chỉ huy trưởng công trường của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải cho biết, ngay sau khi mùa mưa kết thúc, bắt đầu từ ngày 4/11 đơn vị đã cho xe chở đất về để đắp nền đường, nhà thầu đã thi công 24/24 làm ngày làm xuyên đêm, trưa cũng không nghỉ để kịp tiến độ đề ra. Đơn vị cũng cam kết đến 30/4/2024 sẽ đắp xong toàn bộ khối lượng đất của dự án thành phần 3. Tập đoàn đã điều động các máy móc thiết bị hiện đại và hơn 100 công nhân để thi công 3 ca 4 kíp, thông suốt ngày đêm, rút ngắn thời gian thi công.
Sau thời gian chuẩn bị, hiện nhà thầu đồng loạt triển khai 11 mũi thi công trên toàn tuyến. Công ty cổ phần 479 Hòa Bình đơn vị được giao thi công 11 công trình cầu trên toàn tuyến đang thực hiện công đoạn cọc khoan nhồi, thi công bê tông bệ, thân mố, bệ trụ, đúc dầm. Để đẩy nhanh tiến độ, đơn vị này đang nỗ lực huy động công nhân thi công cả ngày lẫn đêm.
Đến thời điểm này, gần như toàn tuyến đã được dọn dẹp mặt bằng. Hình dạng dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu gần như đã hình thành, nhiều nơi nhà cửa người dân đã di dời, tháo dỡ để phục vụ thi công.
Theo Ban Quản lý giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, nguồn vật liệu đất phục vụ cho thi công dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được bố trí đầy đủ. Đối với nguồn vật liệu đá, tỉnh cũng đã xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại Lô IIB xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ phục vụ thi công. Đối với nguồn vật liệu đất đắp nền được UBND tỉnh cấp phép cho Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải khai thác là 27,52 ha tại khu vực xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức để khai thác đắp nền đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Dự án Cầu Phước An cũng đang được các nhà thầu khẩn trương, hối hả thi công không kém gì dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Hiện nay 4 đơn vị trúng thầu đang làm ngày, làm đêm cho kịp tiến độ đề ra. Cầu Phước An có chiều dài hơn 4,3 km gồm phần cầu dài 3,5 km, đường dẫn trên tuyến 247 m, đường dẫn kết nối với đường xuống cảng Phước An dài khoảng 617 m và hoàn chỉnh phạm vi nút giao với đường vào cảng Phước An.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 15,53 ha; trong đó, phía thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu là 6,87 ha; phía huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai là 8,66 ha. Dự án có tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.877 tỷ đồng; trong đó giá trị xây lắp khoảng 3.834 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ban quản lý Dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, phần bồi thường, giải phóng mặt bằng phía Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện xong. Sau gần 1 năm triển khai thi công, các trụ dần lên cầu bắt đầu được hình thành, công nhân và máy móc hoạt động tại dự án cầu Phước An đều làm việc hết công suất, để dự án sớm hoàn thành.
Đại diện liên doanh nhà thầu thi công Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620 cho biết, để đảm bảo tiến độ công trình, tại khu vực cầu Phước An hiện có khoảng 400 công nhân của 4 nhà thầu đang thi công. Số công nhân này phải chia ca, kíp để thi công 24/24 xuyên ngày đêm để kịp tiến độ dự án.
Nhờ vậy, đến nay gói thầu số 38 Xây lắp cầu dẫn từ đầu tuyến đến trụ dẫn T36-T37, nhà thầu thi công là liên danh nhà thầu Công ty cổ phần 479 Hòa Bình và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620 đang tổ chức các mũi thi công trên phạm vi từ đầu tuyến đến trụ T36; hoàn thành đường công vụ, mặt bằng thi công, hệ thống cấp điện, nước, đúc và đóng cọc 469 tim, thi công 18/380 dầm SuperT, tường chắn được 12/17 modul... Gói thầu đảm bảo theo tiến độ hợp đồng đã ký kết.
Còn tại gói thầu số 39, xây lắp cầu chính từ trụ T37 đến trụ T40 do nhà thầu thi công liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính đảm nhận. Đến thời điểm này, liên danh nhà thầu đang huy động thiết bị, nhân lực; tập trung hoàn thành mặt bằng công trường, đường công vụ, mố nhô phục vụ thi công công trình; hoàn thành việc thông báo điều tiết đảm bảo an toàn hàng hải; triển khai 2 mũi thi công cọc khoan nhồi trụ chính T38 và T39, thi công được 23/88 cọc khoan nhồi D2000 đảm bảo theo tiến độ hợp đồng.
Năm 2023, tổng vốn bố trí cho dự án cầu Phước An là hơn 568 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân vốn năm 2023 đạt hơn 406 tỷ đồng, đạt 71,63%.