Quầy hàng tại siêu thị Co.opmart Rạch Miễu (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh tư liệu: Hồng Đạt/TTXVN
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, dù lạm phát quý 1/2025 thấp hơn những năm gần đây nhưng các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến thị trường để có chính sách điều hành phù hợp.
Theo số liệu của Cục Thống kê, Bộ Tài chính mới công bố, giá xăng dầu, giá gạo giảm theo giá thế giới là các nguyên nhân chính làm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2025 giảm 0,03% so với tháng trước. So với tháng 12/2024, CPI tháng 3 tăng 1,3%; tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2025, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 3,01%.
Lý giải nguyên nhân, Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, trong quý I/2025, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế - xã hội của các quốc gia. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt, đặc biệt chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ gây căng thẳng thương mại và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu yếu khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Lạm phát có xu hướng hạ nhiệt nhưng vẫn chưa trở về mức mục tiêu của một số quốc gia. Các ngân hàng Trung ương tiếp tục theo dõi và điều chỉnh chính sách tiền tệ để đối phó với áp lực lạm phát. Lạm phát của Mỹ tháng 2/2025 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước…
Trước tình hình thế giới có nhiều biến động, ngay từ những tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực.
Cùng với đó, giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp.
“Theo đó, giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nhìn chung không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025, Nghị quyết bổ sung Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Quốc hội điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu; trong đó, nới trần lạm phát từ 4 - 4,5% lên 4,5 - 5%.
Tuy nhiên, Chính phủ muốn lạm phát chỉ xoay quanh mức 4,15%. Mức lạm phát 4,15% được đánh giá là vừa bảo vệ sức mua của nền kinh tế, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và giữ lòng tin cho người dân, doanh nghiệp. Do vậy, kiểm soát lạm phát ở mức 4,15% bằng cách nào khi mà giá thịt lợn đang ở mức rất cao và các sàn thương mại điện tử đã đồng loạt tăng phí, tác động ngay tới mặt bằng giá cả hàng hóa.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Oanh, Trưởng ban Thống kê dịch vụ và giá, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho rằng, mức lạm phát 4,5-5% trong năm 2025 phù hợp với điều kiện tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025.
Theo chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, việc điều chỉnh chỉ tiêu CPI, nới trần lạm phát là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Do đó, cần có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Về giá thịt lợn, ông Đậu Ngọc Hùng, Trưởng ban Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản, Cục Thống kê cho biết, vừa qua có thời điểm giá thịt lợn biến động, tăng mạnh nhất là đầu tháng 3, nhưng sau đó đã chững lại và giảm dần, đến cuối tháng 3 chỉ còn tăng ở một số tỉnh phía Nam.
Theo ông Hùng, ở góc độ hoạt động thống kê chăn nuôi, có một số yếu tố ảnh hưởng đến nguồn cung tác động đến biến động giá thịt lợn trong thời gian qua như: những tháng cuối năm 2024, dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi xảy ra trên đàn heo tại một số tỉnh phía Nam… Tuy nhiên, vấn đề nguồn cung chỉ xảy ra cục bộ tại một số địa phương trong một số thời điểm. Do đó, nguồn cung thịt lợn sẽ đáp ứng tiêu dùng trong thời gian tới.
Để kiểm soát lạm phát năm 2025 đạt được mục tiêu đề ra, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ cần điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp, tránh lạm phát kỳ vọng; kiểm soát tăng giá trong các mùa cao điểm; nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ trong nước với mức giá cạnh tranh để thúc đẩy người dân tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ Việt; tăng cường thực hiện các đợt khuyến mại để thúc đẩy sức mua của người dân.
Đồng thời, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý, nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.
“Niềm tin của người tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn, đảm bảo hiệu quả của các giải pháp kích cầu tiêu dùng, vì vậy cùng với chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm ổn định, chính sách về lãi suất ngân hàng, thị trường bất động sản, giá vàng, giá ngoại tệ ổn định..., sẽ tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy chi tiêu, xử lý được bài toán nhu cầu thị trường trong nước thấp đối với doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Về phía địa phương, tại Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2025 đã có sự điều chỉnh nhẹ, tăng 0,08% so với tháng trước, tăng 0,98% so với tháng 12/2024 và tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý I/2025 tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2024, cho thấy tình hình lạm phát tại Hà Nội vẫn được kiểm soát ở mức hợp lý.
Để kiểm soát tình hình lạm phát, UBND thành phố Hà Nội tập trung tăng cường giám sát và điều chỉnh giá cả hợp lý, đặc biệt trong nhóm hàng thiết yếu như: nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trong việc thực hiện biện pháp hỗ trợ lãi suất, thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất, nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định trong bối cảnh lạm phát và sự biến động của giá cả trên thị trường.
Cục Thống kê đề xuất Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Đồng thời, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị.
“Quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế”, Trưởng ban Thống kê dịch vụ và giá, Cục Thống kê nhấn mạnh.