Thế chấp hàng hóa để vay vốn: Ngân hàng e ngại

Theo quy định của Ngân hàng nhà nước (NHNN), doanh nghiệp (DN) được phép thế chấp hàng hóa để vay vốn. Thế nhưng, trong thời điểm hàng tồn kho tăng cao, các NH lại tỏ ra không mặn mà với phương thức này.

 

Sợ hàng tồn kho


Mặc dù đều đang thừa vốn, thế nhưng hiện nay hầu hết các NH đều tỏ ra sợ cho DN vay vốn bằng thế chấp hàng hóa. Trong khi đó, hàng hóa của DN đang ứ đọng, lại không thể xoay vòng vốn khiến nhiều DN rơi vào bế tắc khi có hàng hóa để đảm bảo mà vẫn khó được vay vốn. Một DN xuất khẩu cà phê tại quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết, nhờ là khách hàng lâu năm với NH, thế nên mới được NH đồng ý cho thế chấp hàng hóa để vay vốn. Tuy nhiên, NH chỉ đồng ý cho vay tương đương 30% giá trị sản phẩm thế chấp mà thôi. 
 

Doanh nghiệp dùng hàng hóa thế chấp để vay vốn ngân hàng có xu hướng tăng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Theo các NH Vietcombank, Agribank, Maritimebank, Techcombank, BIDV, ACB..., NH vẫn chấp nhận tài sản đảm bảo bằng hàng hóa. Tuy nhiên, với những sản phẩm như cà phê, gạo, xi măng, sắt thép... NH lại ngại vì độ rủi ro cao. Trong đó, gạo, cà phê là những sản phẩm có hạn sử dụng không dài. “Cụ thể, cà phê 3 tháng đã đổi màu, gạo 3 tháng thì ngả màu và mất mùi... Chưa kể, giá hàng hóa lại bấp bênh. Khi giá đã bị sụt giảm NH phải định giá lại”, ông Đỗ Lam Điền, Phó Tổng Giám đốc Maritimebank cho biết. Ngay cả sản phẩm sắt, thép, xi măng... cũng rất bấp bênh về giá.


Đồng tình quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, hình thức thế chấp bằng hàng hóa, nhất là với hàng hóa nông sản như cà phê, hồ tiêu, hạt điều... có nguy cơ rủi ro cao. Bên cạnh đó, nếu nhân viên ngân hàng buông lỏng quản lý kho hàng, hoặc thậm chí hàng tồn kho lâu sẽ dẫn đến nợ xấu cho ngân hàng.


Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế khó khăn, nhiều DN không còn tài sản đất đai để đảm bảo, đành phải thế chấp bằng hàng hóa. Theo đại diện các NH Vietcombank và ACB, hiện số lượng DN dùng hàng hóa thế chấp ngày càng tăng. Tuy nhiên, NH phải kiểm định kỹ chất lượng cũng như giá trị hàng hóa rồi mới quyết định. Hiện các NH chỉ chấp nhận cho vay với những DN “khỏe”, có vốn luân chuyển tốt, uy tín và có mức vay tối đa bằng 30 - 50% giá trị tài sản thế chấp.

 

Linh hoạt cho DN thế chấp hàng tồn kho


Trước thực trạng trên, chuyên gia kinh tế TS. Bùi Kiến Thành, nguyên đại diện Ngân hàng Việt Nam tại New York cho rằng: Muốn giải phóng được hàng tồn kho và tăng sức mua, Chính phủ nên miễn hẳn thuế giá trị gia tăng (VAT) để DN hạ được giá thành, thanh toán hàng tồn kho để tiếp tục sản xuất. Ngoài ra, hàng tồn kho chính là tài sản của DN nên ngân hàng nên xem đó là tài sản thế chấp vay vốn mới cho DN.


Tương tự, chuyên gia ngân hàng TS.Nguyễn Trí Hiếu cho biết, hiện nay ngoài những giải pháp hỗ trợ mà Chính phủ vừa ban hành theo Nghị quyết 13/NQ - CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thêm vào đó, việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức chênh lệch 3% so với huy động mới chỉ giải quyết một phần khó khăn của DN. Vì thế, điều cốt lõi là vấn đề giải phóng hàng tồn kho. Trong hoàn cảnh DN khó khăn về vốn để duy trì sản xuất, những khoản vay cũ vẫn chưa "tháo gỡ" được nên khó có thể đủ điều kiện vay vốn mới. Hàng tồn kho chính là tài sản của DN, nếu Ngân hàng Nhà nước linh hoạt có biện pháp nào đó xử lý thủ tục liên quan đến hàng tồn kho, tạo điều kiện thế chấp sẽ hỗ trợ được cho DN tốt hơn.


Dù vậy, các NH dường như vẫn không mặn mà với tài sản thế chấp là hàng hóa. Bởi, khi nhận thế chấp này, các NH phải mất thêm chi phí thuê kho bãi, nhân viên bảo vệ, quản lý kho, định giá tài sản... Nghịch lý là, càng khó cho vay, các NH lại càng ứ đọng vốn. Theo đó, các NH đã tỏa vốn đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, việc mua trái phiếu Chính phủ 7.000 tỷ đồng vừa được huy động thành công trong đầu tháng 5 vừa qua với lãi suất trúng thầu dưới 11%/năm thấp hơn nhiều so với lãi suất cho DN vay. Chưa kể, nhiều NH cũng đầu tư mua trái phiếu DN.


Lý giải vấn đề này, các NH cho rằng đây chỉ là đề phòng thanh khoản. Bởi lúc cần vốn, NH có thể thế chấp các trái phiếu trên cho NHNN. Ngoài ra, cũng không thể so sánh với lãi suất 15 - 16%/năm khi cho DN vay. “Bởi khi NH cần thanh khoản, vẫn có thể bán trái phiếu trên, còn hàng hóa tồn kho NH không thể bán ngay được. Do đó, việc đầu tư vào trái phiếu vẫn được nhiều NH lựa chọn” – đại diện một NH cho biết.


Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN