Doanh nghiệp khẩn trương thiết lập cơ chế thích ứng

Hiện nay, song song với nỗ lực của Chính phủ cùng các cơ quan chức năng, doanh nghiệp Việt Nam ở các ngành, lĩnh vực kinh tế; đặc biệt là thuộc các nhóm mặt hàng xuất khẩu đang khẩn trương thiết lập cơ chế để thích ứng cho phù hợp với tình hình mới.

Chú thích ảnh
Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/4 đã quyết định tạm dừng áp thuế trong 90 ngày và giảm thuế đối ứng xuống 10% cho hơn 75 quốc gia. Chiều ngày 9/4/2025 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã gặp đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer. Tại cuộc gặp này, hai bên nhất trí Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng.

Hiện nay, song song với nỗ lực của Chính phủ cùng các cơ quan chức năng, doanh nghiệp Việt Nam ở các ngành, lĩnh vực kinh tế; đặc biệt là thuộc các nhóm mặt hàng xuất khẩu đang khẩn trương thiết lập cơ chế để thích ứng cho phù hợp với tình hình mới.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho hay, chính sách thuế của Mỹ khá phức tạp, hiện doanh nghiệp thành viên hiệp hội rất kỳ vọng vào những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời của Chính phủ, ngành chức năng. Cùng với đó, các doanh nghiệp ngành gỗ và sản phẩm về gỗ cũng cần nghiên cứu kỹ lại chiến lược thị trường, tận dụng cơ hội để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang thị trường này sao cho không bị ảnh hưởng lớn, ông Ngô Sỹ Hoài cho hay. 

Trong bối cảnh mới và để ứng phó với những thách thức của chính sách thuế quan, đại diện các doanh nghiệp ngành may mặc, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, các doanh nghiệp Việt phải đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA). 

Để hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, bên cạnh những nỗ lực đàm phán cần đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể giảm dần thâm hụt thương mại với Mỹ; nỗ lực đẩy nhanh tiến trình ký kết các Hiệp định thương mại tự do mới để khai thác các thị trường khác cũng rất tiềm năng như Canada là một điển hình. Bên cạnh đó, cần duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để giảm chi phí như giảm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, tiền thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp...; hay tiếp tục giảm lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp...

Đối với doanh nghiệp, Vitas cũng khuyến nghị các doanh nghiệp thành viên đàm phán các đơn hàng tiếp theo với cách thức chia sẻ lợi ích, rủi ro trong toàn chuỗi cung ứng, từ nhà cung cấp nguyên phụ liệu đến nhà sản xuất, nhà phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng; đồng thời tăng cường truy soát nguồn gốc, minh bạch thông tin nguồn cung nguyên phụ liệu.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm, Tổng thư ký, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam nhận định, trước mắt, không chỉ có thị trường Mỹ, Việt Nam có tới 16 hiệp định thương mại tự do với các nước; trong đó, hai hiệp định rất lớn là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như thị trường Anh. Vì vậy, việc tiếp tục đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu cũng như tận dụng các lợi thế của thị trường có hiệp định thương mại tự do vẫn là ưu tiên của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thách thức trên có lẽ cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc quá trình sản xuất, tăng hiệu quả lao động, tiết giảm chi phí đầu vào.

Bà Thanh Xuân cũng kiến nghị các bộ, ngành cần có chính sách tốt hơn, đặc biệt là những chính sách ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính, thuế, hải quan, giúp doanh nghiệp hoàn thuế nhanh hơn, các thủ tục hải quan thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị những giải pháp như nhập khẩu nguyên liệu có sẵn ở thị trường Mỹ, sản phẩm da thuộc đang có thế mạnh, hay các công nghệ cao của Hoa Kỳ cho ngành sản xuất da giầy... nhằm giúp ngành da giày - túi xách cân bằng lại cán cân thương mại, bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.

Ông Ngô Sỹ Hoài cũng chia sẻ thêm về cách thích ứng và giải pháp mà các doanh nghiệp ngành gỗ đang triển khai. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang tập trung tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào đủ sức cạnh tranh để tiếp cận các thị trường tiềm năng hơn; tập trung phát triển hiệu quả nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chất lượng cao. Thêm nữa, doanh nghiệp đã nhanh chóng xem xét tăng các mặt hàng, sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là sản phẩm gỗ như gỗ xẻ, gỗ tròn và veneer... để cân bằng cán cân thương mại; đồng thời, thiết kế các giải pháp khác để phía Mỹ thấy được lợi ích cần hợp tác với Việt Nam…

Không những thế, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đang chủ động tiếp cận các thị trường khác, nhiều tiềm năng như Nhật Bản, Australia, châu Âu, Trung Quốc và các thị trường mới Trung Đông... 

Về lâu dài, doanh nghiệp gỗ Việt cần chuyển đổi mô hình kinh doanh từ chủ yếu gia công theo đơn hàng của nhà nhập khẩu (OEM), sang chủ động mẫu mã (ODM) và xây dựng thương hiệu (OBM) để tăng hiệu quả kinh doanh, ông Ngô Sỹ Hoài lưu ý.

Ngọc Quỳnh - Hằng Trần (TTXVN)
Thuế quan của Mỹ: Khuyến nghị các nước đang phát triển đa dạng hóa quan hệ thương mại
Thuế quan của Mỹ: Khuyến nghị các nước đang phát triển đa dạng hóa quan hệ thương mại

Bà Pamela Coke-Hamilton, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) của Liên hợp quốc, ước tính cơ chế thuế quan mới của Mỹ có thể làm giảm 3% tổng giá trị thương mại toàn cầu và chuyển đáng kể dòng xuất khẩu từ các thị trường truyền thống như Mỹ và Trung Quốc sang các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Ấn Độ và Brazil.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN