Thay đổi cách tính thuế để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững

Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến, theo nhiều chuyên gia kinh tế, chính sách thuế hiện chưa thúc đẩy ngành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Phóng viên báo Tin tức đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) về vấn đề này.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức.

Thưa ông thời gian qua, nhiều Hiệp hội chăn nuôi, trồng trọt kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phân bón, sản phẩm nông nghiệp chế biến. Ông đánh giá thế nào việc cần thiết điều chỉnh chính sách thuế GTGT?

Luật Thuế GTGT lần đầu tiên được Quốc hội thông qua từ năm 1997 và áp dụng từ ngày 1/1/1999. Trải qua thời gian, Luật này được sửa nhiều lần, trong đó lần sửa “ấn tượng” là năm 2008 và 2014 với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều các Luật về thuế.

Năm 2001 - 2022 có quy định “mở" cho nông nghiệp, bằng cách cho quy định khấu trừ khống đối với bảng kê thu mua nông sản (2% giá trị mua); với nông sản mua có hoá đơn trực tiếp được khấu trừ khống 3%. Sau mấy năm, quy định về khấu trừ khống đã gây thiệt hại cho kinh tế do xảy ra tình trạng gian lận, Việt Nam phải bỏ quy định về khấu trừ khống.

Năm 2008, Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 quy định chỉ cho phép khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi có hóa đơn GTGT và hóa đơn đó phải được thanh toán qua ngân hàng (nếu trị giá từ 20 triệu đồng trở lên). Từ đó, tình trạng gian lận thuế đã giảm. Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), cam kết không phân biệt đối xử giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu, nên tại Luật 13/2008, Quốc hội tiếp tục giữ quy định không chịu thuế GTGT đối với sản phẩm nông nghiệp tại khâu đầu tiên, kể cả doanh nghiệp, nông dân sản xuất ra (không thu thuế GTGT)…

Hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất là ở khâu chế biến sau thu hoạch, giết mổ đối với chăn nuôi. Sau thu hoạch với khâu trồng trọt, doanh nghiệp kiến nghị với sản phẩm sơ chế, không phải chịu thuế giống các nông hộ để bảo đảm công bằng. Để thực hiện điều này, cần cân nhắc kỹ, có số liệu đánh giá, đặt trong mối quan hệ và tác động liên hoàn của thuế GTGT đến các khâu. 

Luồng ý kiến thứ hai là ở khâu giữa với quy định thuế suất 5% và chỉ cho khấu trừ thuế đối với khâu đầu tiên. Từ năm 2024, ngành Thuế đã có hóa đơn điện tử kết nối; có dữ liệu tập trung và có liên kết, liên thông giữa cá nhân với doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Dưa lưới trồng theo hướng hữu cơ tại Dfarm Quảng Trị. Ảnh: TTXVN.

Trong khâu sản xuất có sản xuất nông nghiệp, có nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp phải đầu tư thiết bị công nghệ mới, mua bản quyền nước ngoài, quy trình tưới tiêu, chuyển đổi số... Khâu giữa sau thu hoạch, doanh nghiệp cũng phải đầu tư máy móc, nhà xưởng; khâu giết mổ phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nên phải đầu tư kho lạnh, quy trình sản xuất chế biến... Nếu không được kê khai, không được khấu trừ, doanh nghiệp càng đầu tư, mua sắm thiết bị nhiều càng lỗ. 

Vì vậy, cần nghiên cứu cân nhắc giữa 2 phương án. Một là đưa về phương án không chịu thuế, kể cả khâu sau, khâu sơ chế, cũng như khâu đầu tiên, theo như ý kiến nhiều doanh nghiệp chăn nuôi. Phương án thứ hai là áp dụng 5% đối với doanh nghiệp, Hợp tác xã tại khâu giữa và khâu sau. Như vậy, sẽ giải quyết được việc thuế GTGT đầu vào được kê khai, khấu trừ hoàn toàn liên tục.

Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng về bối cảnh, thực trạng nền kinh tế, quản lý doanh nghiệp đang chuyển sang chuyên môn hoá cao, hợp tác quốc tế và huy động vốn niêm yết trên sàn chứng khoán; đồng thời, cần xem xét lại tính liên hoàn của thuế GTGT, bảo đảm vừa thúc đẩy doanh nghiệp, đẩy mạnh hạch toán kinh tế, tăng tính liên hòan trong kê khai, khâu trừ, tăng giám sát của xã hội thông qua công cụ mới trong điều kiện hiện nay. 

Tại sao ông lại nghiêng hơn về phương án 2 là cần nghiên cứu để áp dụng cách đánh thuế GTGT mang tính liên hoàn hơn để khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh quy mô lớn, chuyên nghiệp và hiện đại?

Nếu áp dụng các khâu đều không phải chịu thuế sẽ không phù hợp với xu thế và không phù hợp với chiến lược cải cách thuế của Việt Nam. Phương án thứ 2 áp dụng ngay mức thuế suất 5% đối với sản phẩm nông sản khâu đầu tiên của doanh nghiệp hoặc nông sản sơ chế như Luật gốc GTGT ban đầu, nhưng chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp. Như vậy, không ảnh hưởng đến nông dân là những người trực tiếp tự sản, tự tiêu hoặc bán tại các thị trường sơ cấp. 

Tương tự như vậy, sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu khi bán ra hàng tươi sống, bị thu thuế 5%, giống như doanh nghiệp, khâu trung gian cũng bán ra thu 5%. Như vậy, có sự bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng trong nước. Lúc đó vẫn kê khai, khấu trừ liên hoàn. 

Đã đến lúc áp thuế suất 5% đối với nông sản do doanh nghiệp và Hợp tác xã bán ra tại khâu trung gian và khâu sản xuất để thuế đầu vào sẽ được kê khai, khấu trừ toàn bộ. Việc quy định chính sách thuế GTGT đầu vào không được kê khai, khấu trừ của khâu trung gian, của khâu giết mổ, khâu sơ chế cần quy định rõ trong Luật là: Thuế GTGT đầu vào, trong hết 1 năm mà không khấu trừ được, giao cho doanh nghiệp tự chọn tiếp tục bảo lưu sang năm sau để kê khai, khấu trừ hoặc tính ngay vào chi phí của năm đó. Cơ quan thuế chỉ giám sát sau khi doanh nghiệp lựa chọn phương án.

Hiện đối với nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam đã có mô hình đất sạch, giống sạch, quy trình tưới tiêu... để ra sản phẩm sạch. Khâu thứ 2 là bảo quản và vận chuyển đến tay người tiêu dùng, khâu thứ 3 đưa vào sản xuất công nghiệp và đưa đến người tiêu dùng.

Đối với chăn nuôi có khâu đầu tiên là nuôi gia súc theo phương pháp công nghiệp, doanh nghiệp đã đầu tư máy móc thiết bị, đầu tư về thức ăn, giống, các chương trình quản lý sạch. Đến khi chế biến, bán ra thị trường, qua khâu thứ 2 là giết mổ cũng phải đầu tư các nhà máy giết mổ đảm bảo quy trình vệ sinh kiểm soát thú y. Khâu thứ 3 là chế biến sẵn và bán cho các siêu thị. Với thực trạng hiện nay, khâu đầu tiên không được kê khai, khấu trừ thuế đầu vào sản phẩm đầu ra là không chịu thuế, buộc doanh nghiệp phải tính vào giá thành, đẩy giá bán tăng.

Đây là nguyên nhân sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao giá luôn cao hơn nông sản bình thường. Với quy trình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, khép kín từ đầu vào, đầu ra, nếu giải quyết được liên thông thuế GTGT đầu vào sẽ được chuyển ra khâu sau để kê khai thuế GTGT khấu trừ hoặc cho doanh nghiệp tính vào chi phí để giải quyết, không để mất vốn doanh nghiệp. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương/Báo Tin tức (thực hiện)
Cân nhắc vấn đề áp thuế VAT 5% với phân bón
Cân nhắc vấn đề áp thuế VAT 5% với phân bón

Chiều 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN