Tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sầu riêng chính vụ

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc tiêu thụ khó khăn nên giá thu mua sầu riêng cũng đang giảm mạnh. Trong khi sầu riêng Đắk Lắk đang bước vào vụ thu hoạch chính, chủ yếu là sầu riêng Dona, giống sầu riêng thơm ngon có tiếng.

Giá sầu riêng giảm mạnh

Krông Pắc là huyện có diện tích sầu riêng lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk, với hơn 3.340 ha. Hiện 581 ha sầu riêng của 497 hộ được kiểm tra đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp 36 mã vùng trồng cho 730 ha sầu riêng; 7 mã đóng gói cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sầu riêng trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo huyện Krông Pắc giải đáp thắc mắc của nông dân. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Năm nay, diện tích cho thu hoạch sầu riêng khoảng 2.500 ha, ước sản lượng hơn 45 nghìn tấn. Sản lượng đã thu hoạch và tiêu thụ đến thời điểm này ước khoảng từ 30 - 35%, dự kiến đến tháng 10 kết thúc mùa vụ.

Tuy đang bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng nhưng khảo sát của UBND huyện Krông Pắc cho thấy, giá bán sầu riêng tại vườn liên tục giảm. Nếu đầu mùa, giá sầu riêng Dona khoảng từ 38.000 - 45.000 đồng/kg thì hiện đã giảm xuống dưới 30.000 đồng/kg. So với thời điểm chính vụ năm ngoái, giá bán đã giảm gần 40%. Tại một số nhà vườn trong vài ngày trở lại đây, giá sầu riêng mua xô còn khoảng từ 18.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại.

Gia đình ông Lê Văn Hùng ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc hiện có 1,5 ha sầu riêng kinh doanh, sản lượng khoảng 30 tấn. Đến thời điểm này, ông đã bán được 50%, còn lại vẫn ở trên cây. Ông đang phải tìm cách bán hết trong nay mai vì sầu riêng đã già, không thể giữ lại được.

Theo ông Hùng, một trong những nguyên nhân khiến giá sầu riêng xuống thấp là do nhiều nông dân lo lắng giá sẽ xuống thấp nữa nên chủ động hạ giá bán để thương lái thu mua hết vườn.  

Vụ này, sản lượng sầu riêng của gia đình ông Phạm Anh Tuấn ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc ước thu được gần 30 tấn. Vừa rồi, gia đình anh đã bán được hơn 10 tấn với giá 25.000 đồng/kg, còn lại đang chờ sầu già để cắt lần 2. Anh Tuấn cho biết, nếu như mọi năm, giá bán sầu riêng Dona tại vườn khoảng 40.000 đồng/kg trở lên thì bà con lãi lớn.

"Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả giảm sâu, nếu bán với mức khoảng từ 18.000 - 25.000 đồng/kg mua xô tại vườn, người dân vẫn có lãi nhưng hiệu quả đầu tư không cao so với mọi năm", anh Tuấn chia sẻ.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp và thương lái, giá sầu riêng năm nay giảm mạnh do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19. Hiện tại, việc bán sầu riêng sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch đang gặp khó khăn do phía bạn kiểm soát chặt, trong khi đây là thị trường tiêu thụ khoảng 80% sản lượng sầu riêng của nước ta. Bên cạnh đó, chính vụ thu hoạch sầu riêng cùng lúc nhiều địa phương trong nước, nhất là các tỉnh phía Nam đang siết chặt thực hiện Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch bệnh khiến thị trường nội địa bị chia cắt, lưu thông, tiêu thụ gặp không ít khó khăn.

Khó khăn trong tiêu thụ

Trên địa bàn huyện nay có 47 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói sản phẩm sầu riêng. Tuy nhiên, hiện chỉ có một số doanh nghiệp, vựa lớn thì hoạt động thu mua đều đặn, còn lại thu mua cầm chừng do thiếu nhân công kỹ thuật, không xuất bán được hàng sầu riêng trái hoặc xuất bán chậm, thiếu vốn để quay vòng, thiếu kho bảo quản...

Bà Ngô Tử Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, mỗi ngày, công ty thu mua khoảng 100 tấn sầu riêng, hầu hết đều thông qua thương lái. Giá thu mua loại  1 chỉ 35.000 đồng/kg, loại 2 là 25.000 đồng/kg và loại 3 là 15.000 đồng/kg. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với trách nhiệm xã hội, công ty đang cố gắng thu mua với giá tốt nhất cho bà con.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bà Ngô Tử Vy đề nghị chính quyền tiếp tục hỗ trợ các thương lái, công nhân tham gia thu mua, chế biến sầu riêng được tiêm vaccine sớm nhất có thể vì thời vụ diễn ra rất nhanh. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần có ý kiến đối với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn được nhanh, thủ tục đơn giản, với tài sản thế chấp là hàng tồn kho.

"Hầu hết các doanh nghiệp thu mua đang gặp khó khăn về nguồn vốn nên rất cần sự tiếp sức từ chính quyền, ngân hàng. Nếu doanh nghiệp có được nguồn vốn để thu mua, bóc múi cấp đông thì sẽ không bị đối tác ép giá, dự kiến qua đợt dịch giá bán sầu riêng sẽ cao, ổn định", bà Vy cho biết.

Đại diện Công ty Chánh Thu cũng cho biết, dịch bệnh lần này cũng bài thuốc thử để người dân và chính quyền nhìn nhận lại quá trình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩn. Người dân và chính quyền cũng cần thay đổi tư duy, cách làm trong sản xuất.

Theo đó, phải xây dựng, duy trì chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao được giá trị, chất lượng của quả sầu riêng và phải tìm kiếm nhiều thị trường mới, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; đồng thời phải nghiêm túc trong việc xây dựng thương hiệu vùng miền, thương hiệu quốc gia cho trái sầu riêng. Trong việc này, người nông dân trồng sầu riêng phải đóng vai trò chính dưới sự hỗ trợ của chính quyền, doanh nghiệp, các ngành chức năng.

Chú thích ảnh
Đại diện doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Để thu mua được lượng hàng nhiều nhất cho người dân, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở thu mua đã chủ động đầu tư kho đông lạnh. Trên địa bàn có 12 kho đông lạnh nhưng công suất nhỏ, chủ yếu là cấp đông trong thời gian bóc múi, sau đó vận chuyển đến các kho khác để lưu trữ. 

Thực tế, doanh nghiệp từ các tỉnh miền Tây và TP Hồ Chí Minh lên huyện thu mua sầu riêng đa phần có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại trụ sở chính. Những năm trước, sầu riêng sau khi thu hoạch được các thương lái thu mua vận chuyển về địa phương để tách, móc múi và một phần là đóng gói xuất khẩu. Tuy nhiên, năm nay, do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, một số tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 16 nên các cơ sở thu mua không vận chuyển sầu riêng về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn có khô đông lạnh để thuê lại phục vụ cho việc bóc múi, cấp đông sau đó vận chuyển về kho hiện có của doanh nghiệp.

Chủ động tháo gỡ khó khăn 

Ông Đinh Xuân Diệu, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, dự báo trước được những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, UBND huyện đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương lái đến thu mua, tiêu thụ sầu riêng trên địa bàn.

Huyện đã thành lập một tổ công tác đặc biệt do một Phó Chủ tịch UBND huyện là tổ trưởng để kịp thời nắm bắt và hỗ trợ giải quyết những vấn đề  khó khăn cho người dân và doanh nghiệp thu mua sầu riêng như: tiêm vaccine phòng dịch, đưa đón công nhân kỹ thuật đến thu mua sầu riêng, tìm bãi đổ vỏ sầu riêng khi bóc múi, bãi đỗ xe trong thời gian chờ bốc hàng...

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thu hoạch, tiêu thụ sầu riêng, UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh xem xét, tạo điều kiện liên kết để các cơ sở thu mua sầu riêng tiếp cận, thuê các kho đông lạnh trong và ngoài tỉnh để phục vụ cho bảo quản sản phẩm sau bóc múi. Song song đó, hỗ trợ đưa sản phẩm sầu riêng lên sàn thương mại điện tử, hệ thống siêu thị, mở rộng tiêu thụ sản phẩm trên trên phạm vi cả nước. Đối với các ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để thu mua, dự trữ sầu riêng.

Về lâu dài, huyện Krông Pắc cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn cho doanh nghiệp trên địa bàn huyện lập và hoàn thiện hồ sơ đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý và bảo hộ thương hiệu đối với sản phẩm sầu riêng Dona Krông Pắc; đồng thời có ý kiến với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ đàm phán để mặt hàng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; kết nối, tìm kiếm thị trường mới cho sản phẩm sầu riêng.

Trước đó, để tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản, nhất là sản phẩm trái cây đang vào kỳ thu hoạch, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch, kịch bản tiêu thụ bơ, sầu riêng niên vụ 2021; chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng của tỉnh tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ bơ, sầu riêng cho nông dân và doanh nghiệp, thương lái.  

Đồng thời, tỉnh Đắk Lắk đề nghị bộ, ngành Trung ương chỉ đạo các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh nông sản của tỉnh tham gia sàn; hỗ trợ quảng bá, hướng dẫn tỉnh Đắk Lắk triển khai các hoạt động kết nối, tiêu thụ trên môi trường số; giới thiệu, kết nối các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp phân phối lớn để thúc đẩy tiêu thụ bơ, sầu riêng. Ngoài ra, hỗ trợ cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ nông sản của nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa của tỉnh đi qua và đến các tỉnh, thành trong cả nước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, tỉnh Đắk Lắk hiện có tổng diện tích trên 12.000 ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 5.300 ha với sản lượng khoảng 103 nghìn tấn. Thời vụ thu hoạch tập trung từ tháng 8 - 10/2021. Các giống sầu trồng được nhiều như Ri6, Dona chất lượng rất tốt, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. 

Anh Dũng - Tuấn Anh (TTXVN)
Chủ động các giải pháp thu hoạch và tiêu thụ sầu riêng
Chủ động các giải pháp thu hoạch và tiêu thụ sầu riêng

Tỉnh Đắk Lắk đang chuẩn bị bước vào thu hoạch chính vụ sầu riêng – một lại trái cây có giá trị kinh tế vượt trội so với các cây trồng khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN