Đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan tới hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, thương mại đầu tư, sản xuất công nghiệp, các thủ tục, điều kiện kinh doanh không cần thiết được cắt giảm đã nhận được sự đồng tình của đông đảo doanh nghiệp .
Báo cáo định kỳ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp luôn ghi nhận kết quả khả quan việc nhiều bộ, ngành, địa phương rất tích cực giải quyết các kiến nghị xây dựng pháp luật và đề xuất các cơ chế chính sách từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
Các vấn đề về đấu thầu, các thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư thành lập doanh nghiệp hay bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện (nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)... đang được điều chỉnh theo hướng minh bạch hơn, đơn giản - nhanh chóng và ít chi phí hơn; đồng thời có lợi cho doanh nghiệp.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ, Chủ tịch Amanda Rasmussen cho biết, tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp thành viên đều có chung nhận định, những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực thuế và hải quan điện tử đã thể hiện cam kết của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế trong việc giảm bớt gánh nặng ở giai đoạn kê khai và giúp tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, việc thành lập Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cũng là một bước quan trọng hướng tới giảm bớt gánh nặng pháp lý cho doanh nghiệp, giúp giảm thời gian xử lý và hạn chế tham nhũng. "Chúng tôi hy vọng Văn phòng Chính phủ sẽ tập trung hơn nữa cho sáng kiến này".
Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam nhận định, EuroCham đánh giá cao sự hỗ trợ và các sáng kiến tích cực của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao tính cạnh tranh cũng như thiện chí lắng nghe ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
"Chúng tôi vui mừng được biết rằng, Chính phủ và trực tiếp là Bộ Kế hoạch Đầu tư đang nỗ lực tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động đầu tư kinh doanh. Chúng tôi rất mong những điều kiện kinh doanh thiếu rõ ràng và không cần thiết sẽ được loại bỏ, đơn giản hóa trong Quý III/2019 theo như Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2020. Chúng tôi cam kết làm việc chặt chẽ với Chính phủ và các bộ, ban, ngành để hỗ trợ xây dựng chiến lược quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới".
Tổng hợp ý kiến từ các thành viên thuộc Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch VBF Vũ Tiến Lộc cho hay, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Nhờ đó, kinh tế tăng trưởng tốt, nhưng vẫn bảo đảm được cân đối, ổn định kinh tế vĩ mô; chất lượng tăng trưởng kinh tế có chiều hướng được cải thiện; cải cách hành chính có bước tiến; chi phí không chính thức giảm...
Điều đó khiến nhiều doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới và đa phần đều có ý định phát triển hoặc mở rộng quy mô. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” khiến không ít doanh nghiệp bày tỏ quan ngại.
Đó chính là sự thiếu ổn định của hệ thống chính sách pháp luật hoặc vấn đề gánh nặng thủ tục "hậu đăng ký" cho doanh nghiệp và việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện trong thời gian qua.
Qua điều tra của VCCI cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong nước phản ánh, thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn phiền hà. Cụ thể là 30% doanh nghiệp được hỏi cho biết gặp vướng mắc về đất đai, 28% có liên quan tới vấn đề thuế, 25% liên quan tới bảo hiểm xã hội.
Trong khi đó, có 28% doanh nghiệp FDI đang gặp vướng mắc về thủ tục xuất nhập khẩu, 26% liên quan tới bảo hiểm xã hội; 25% liên quan tới thuế, 24% liên quan tới thủ tục đăng ký đầu tư và 22% liên quan tới các quy định về phòng cháy... Đây là những lĩnh vực cần có sự quan tâm hơn nữa của các ngành, các cấp trong thời gian tới, Chủ tịch VBF Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị cần sửa đổi ngay các quy định pháp lý chồng chéo, bất hợp lý liên quan tới đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, môi trường… Trong khi chưa sửa được luật thì cần có các hướng dẫn nhất quán, áp dụng thống nhất cho các địa phương và doanh nghiệp; không để mỗi địa phương, cơ quan giải thích theo cách khác nhau.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Chủ tịch Nobufumi Miura nhận định, để thúc đẩy các ngành công nghiệp mới bao gồm các ngành công nghiệp phụ trợ, Chính phủ Việt Nam nên sắp xếp tương xứng các luật có liên quan hay các quy định, thủ tục; đồng thời, áp dụng một cách đồng bộ nhằm đảm bảo khả năng dự đoán thay đổi của luật pháp.
Sự thay đổi về luật hay các quy định, thủ tục trong 1 khoảng thời gian ngắn và việc giải thích hay áp dụng các quy định không hợp lý sẽ làm xáo trộn hoạt động kinh doanh ổn định của doanh nghiệp. Điều này sẽ làm tăng chi phí văn phòng, dẫn đến những khó khăn trong việc thiết lập và điều hành các ngành công nghiệp.
Ông Miura cũng đề nghị, Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp để thúc đẩy việc bảo vệ môi trường, tuy nhiên, Chính phủ nên đưa ra khung thời gian hợp lý cho sự thay đổi trong tương lai.
Chia sẻ từ thực tiễn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) Amanda Rasmussen cho hay, nhiều thành viên của AmCham đang phải trải qua nhiều đợt kiểm toán, kiểm tra và thanh tra về thuế.
Đại diện AmCham đề nghị Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan sớm ký kết Thỏa thuận trước về Xác định giá tính thuế (APA) với các đối tượng đủ điều kiện nhằm giúp giảm thời gian và sự bất ổn đặc trưng của các cuộc kiểm toán thuế và hải quan. Chính sách thuế và việc triển khai công bằng là yếu tố quan trọng để thu hút những nguồn đầu tư mới, đồng thời giúp duy trì và phát triển các nguồn đầu tư hiện có.
Đề cập tới yêu cầu cải cách pháp lý để duy trì sự ổn định và thông thoáng của môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Chủ tịch AmCham khuyến nghị, Luật Đầu tư sửa đổi nên ban hành các điều khoản bảo vệ những hoạt động kinh doanh đã được cấp phép trong các giấy phép hiện có.
Cụ thể, các hoạt động kinh doanh, điều khoản và điều kiện trong giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cần được bảo vệ trước những thay đổi về quy định.
Có thể thấy rằng, sự ổn định của hệ thống pháp luật liên quan tới đầu tư, kinh doanh luôn là mối quan tâm chung của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp và nền kinh tế cần một nền tảng pháp luật vững chắc, ổn định và "thân thiện" để cùng đi suốt chặng đường kinh doanh.