Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong mùa dịch virus Corona

Ngày 10/2, Sở Công TP Hồ Chí Minh khẳng định vẫn đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp đối với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.

Hàng hóa thiết yếu vẫn dồi dào

Đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, do lo ngại dịch bệnh từ virus Corona kéo dài, đã xuất hiện tình trạng người dân TP Hồ Chí Minh đổ xô đi mua gom các loại hàng hóa thiết yếu, gây tâm lý hoang mang cho nhiều người dân khác. "Tuy nhiên, điều này là không cần thiết, bởi các đơn vị, doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu trong quý 1/2020 tăng 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 2 này, các doanh nghiệp sản xuất sẽ phối hợp cùng hệ thống phân phối tổ chức bán giảm giá từ 10-15% đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu", đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh khẳng định.

Chú thích ảnh
Các hệ thống siêu thị hiện đại vẫn đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu khá dồi dào cho người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp đối với dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra, Sở Công thương đã phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, dự trữ và cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tránh nguy cơ gây mất ổn định thị trường.

Theo đó, hàng hóa thiết yếu chủ yếu từ 3 nguồn chính là các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường (chiếm từ 30 - 40% thị phần); các chợ đầu mối (mặt hàng rau - củ - quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60 - 70% thị phần; các doanh nghiệp khác chiếm 10 - 20% thị phần. Vì vậy, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu của thành phố đang khá dồi dào, không khan hiếm như người dân đang lo lắng. "Trong thời điểm này, người dân cần tránh tâm lý hoang mang, xáo động trước những thông tin thiếu hàng, khan hàng thiết yếu mà đổ xô đi gom hàng hóa như những ngày cuối tuần vừa qua", đại diện Sở Công thương cho biết.

Hiện nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh từ Trung Quốc, một số mặt hàng rau củ, trái cây từ Trung Quốc cũng đã ngưng nhập về TP Hồ Chí Minh từ ngày 6/2. Tuy nhiên, theo đại diện các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh, nếu không nhập hàng từ Trung Quốc, các sản phẩm trong nước vẫn đảm bảo nguồn cung. Còn theo Công ty Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, ngày 10/2, tổng lượng rau củ, trái cây về chợ là 2.781 tấn, chỉ giảm 233 tấn so với ngày 8/2. 

“Đối với mặt hàng nhập từ Trung Quốc về chợ đầu mối của thành phố như các loại rau, củ chỉ chiếm 12 - 15% và 15-20% trái cây tùy thuộc vào vụ mùa. Do đó, dù các mặt hàng trái cây và rau củ, gia vị Trung Quốc không về nữa thì hàng trong nước vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu. Hàng trong nước về chợ hiện nay chủ yếu từ Đà Lạt, Đơn Dương, Tùng Nghĩa, Long An, Tiền Giang và các nguồn khác”, vị đại diện này cho biết thêm.

Ngày 10/2, ghi nhận tại chợ đầu mối, giá các mặt hàng rau củ, gia vị tương đối ổn định. Theo đó, rau cải xanh có giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, tỏi Lý Sơn có giá 160.000 đồng/kg, gừng già Buôn Ma Thuột giá 35.000 đồng/kg… Một số mặt hàng rau củ còn đang giảm giá như: bí đao 11.000 đồng/kg, đậu cô ve 25.000 đồng/kg... Tương tự, giá trái cây ở chợ đầu mối cũng ổn định, một số mặt hàng còn giảm mạnh như: quýt đường, quýt tiều giảm 5.000 đồng/kg còn 45.000 đồng/kg; thanh long Bình Thuận giảm 2.000 đồng còn 16.000 đồng/kg…  

Đưa khẩu trang y tế vào diện hàng bình ổn

Liên quan đến mặt hàng đang "sốt" giá là khẩu trang y tế và nước sát khuẩn, đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 35 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế có khả năng cung cấp đủ số lượng khẩu trang theo nhu cầu của người dân. Vì vậy, người dân không lo thiếu khẩu trang, không nên quá hoang mang rồi mua khẩu trang tích lũy, tạo nên tình trạng khan hiếm cục bộ trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Các mặt hàng rau củ, quả đang áp dụng nhiều chương trình giảm giá vì nguồn cung tăng cao nhưng sức mua yếu.

Theo thống kê của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, hiện các siêu thị hiện đại như Saigon Co.op đang bán khẩu trang y tế với giá 50.000 đồng/hộp; công ty Pharmacity sở hữu chuỗi 205 nhà thuốc trên địa bàn các quận, huyện cam kết bán đúng giá cũ là 35.000 đồng/hộp (48 cái) và để tránh việc đầu cơ tích trữ, mỗi người dân chỉ được mua 2 hộp tại hệ thống này... Do đó, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân không cần quá lo lắng, đổ xô đi mua khẩu trang y tế về tích trữ, gây ảnh hưởng tâm lý người khác và khiến thị trường bị thiếu hàng cục bộ.

Là đơn vị chuyên sản xuất khẩu trang y tế, ông Trần Ngọc Thuần, Giám đốc Công ty TNHH FAMITH, cho biết hiện công ty đã tuyển thêm nhân viên, làm tăng ca đến tận 22 giờ để kịp hàng giao cho khách. Hiện công ty vẫn giữ nguyên giá bán khẩu trang y tế cho các đại lý hay những người đặt mua. “Đặc biệt, từ khi có dịch virus Corona ở Trung Quốc, không chỉ công ty tôi mà hầu hết các công ty sản xuất khẩu trang y tế tại TP Hồ Chí Minh đều nhận được thêm đơn đặt hàng từ người Trung Quốc”, ông Thuần nói.

Trước việc một số doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế băn khoăn về nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang, đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống tham tán thương mại tại những nước có nguồn nguyên liệu là vải không dệt như Malaysia, Ấn Độ... để giới thiệu cho các doanh nghiệp nhập nguyên liệu sản xuất. Ngoài ra, Sở cũng đề nghị Sở Tài chính tham mưu với UBND TP Hồ Chí Minh đưa khẩu trang y tế vào chương trình bình ổn giá thị trường để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Chú thích ảnh
Các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay vẫn còn hàng cho người dân trong các siêu thị hiện đại. 

Để kiểm soát giá cả các mặt hàng đang nóng như khẩu trang y tế, thực phẩm thiết yếu, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường Thành phố, UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh, khan hiếm cục bộ để đầu cơ, gom hàng, tăng giá bất hợp lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội; đồng thời ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng gian, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trong trường hợp dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, người tiêu dùng có tâm lý dự trữ hàng hóa, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng sẽ chủ động làm việc với các hệ thống phân phối có kế hoạch phân phối, cung ứng hàng hóa theo hình thức, phương thức phù hợp; tránh tình trạng đứt hàng cục bộ gây tâm lý hoang mang; đồng thời vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có chính sách, chế độ chăm lo người lao động hợp lý để họ an tâm tăng gia sản xuất, đảm bảo nguồn thực phẩm cung ứng trong gia đoạn cấp bách.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đã xác định, để phòng chống dịch bệnh từ virus Corona trên địa bàn thành phố, có 322.126 người bắt buộc phải đeo khẩu trang hàng ngày. Những nhóm người trên hoạt động trong các ngành nghề thường xuyên phải tiếp xúc với người dân, khách hàng như: Trên 18.000 cán bộ, công chức các sở, ngành, UBND phường, xã; khoảng 194.000 tiểu thương, nhân viên lao động làm việc tại trung tâm thương mại, cửa hàng; 73.000 lao động trong các khách sạn, cơ sở lưu trú; khoảng 9.000 nhân viên làm việc trong ngành vận tải hành khách và hơn 27.000 người làm việc tại các bếp ăn tập thể.
Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh chuẩn bị ứng phó đợt triều cường lên cao 1,66 m
TP Hồ Chí Minh chuẩn bị ứng phó đợt triều cường lên cao 1,66 m

Dự báo, đợt triều cường giữa tháng 2/2020 tại TP Hồ Chí Minhcó thể lên cao, dự báo vượt mức đỉnh 1,66m (vượt báo động III hơn 0,16 m).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN